Để cung đáp ứng cầu

Khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, việc cạnh tranh giữa các quốc gia về kinh tế, thương mại và nguồn nhân lực là một xu thế tất yếu. Do đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ lao động kĩ thuật có trình độ cao, có kiến thức, kĩ năng nghề, làm chủ máy móc, công nghệ hiện đại là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Những năm gần đây, đào tạo giáo viên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kĩ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Vì hơn ai hết giáo viên có vai trò đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực chuẩn. Hệ thống giáo dục đặt ra nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhân lực đạt chuẩn nghề nghiệp, trong đó đào tạo sư phạm đạt chuẩn trở thành yêu cầu quan trọng. 

Đổi mới giáo dục cũng đang diễn ra nhanh chóng đặt ra nhiều yêu cầu trong công tác đào tạo giáo viên trong khi những đánh giá gần đây phần nào cho thấy công tác này còn một số biểu hiện chưa bám sát cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1127/QĐ-TTg, về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ giúp Chính phủ tổ chức và chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu cho thấy một khía cạnh khác đó là đào tạo hiện nay còn xa rời bản chất vốn có là đáp ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng trong định hướng đổi mới GD&ĐT nghề là tập trung mọi nỗ lực vào việc đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Tái cấu trúc các trường đại học sư phạm cần cẩn trọng và cần dựa trên tiêu chí hướng đến người học sao cho hiệu quả. Điều quan trọng hơn nữa là việc tái cấu trúc các trường ĐH sư phạm có thể tiến hành ở các cơ sở sư phạm khác nhau nhưng tôn chỉ là giúp người học có kĩ năng nghề đích thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đó vừa là cách đáp ứng nhu cầu thực tiễn giáo dục, vừa là quá trình thay đổi để phù hợp với diễn tiến của tổ chức… 

Chuyển động từ cơ sở

GS.TS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng sau tái cấu trúc, các khối ngành được cơ cấu lại rõ ràng minh bạch trong đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội trong thời kỳ hội nhập, phát huy tiềm năng sẵn có để tiếp tục xây dựng, phát triển vị thế của nhà trường lên tầm cao mới.

Công tác quản lý, điều hành, tái cấu trúc sẽ đưa trường trở thành một thực thể hữu cơ có quy mô hợp lý, bảo đảm liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện, gia tăng giá trị và yếu tố cạnh tranh của mình. Tái cấu trúc góp phần tinh giản bộ máy, cải cách hành chính, giảm các nguồn chi không cần thiết cho trường. 

Trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tái cấu trúc sẽ bảo đảm được sự phát triển hài hòa giữa ngành sư phạm và các ngành đào tạo cử nhân, kĩ sư, đáp ứng nhu cầu xã hội, giữ vững thương hiệu đào tạo sư phạm của Trường Đại học Vinh, đồng thời khẳng định vị thế của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo khác... Kết quả của việc tái cấu trúc sẽ góp phần tích hợp các chương trình đào tạo ở những ngành gần, tăng cường tính thực hành, rèn luyện kĩ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các khu công nghiệp, nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ

Tại Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng, giải pháp tái cấu trúc nhà trường, đơn vị theo yêu cầu đổi mới đào tạo và bồi dưỡng đã được nhà trường đưa ra là: Duy trì 12 khoa chuyên ngành, mỗi khoa quản lý một ngành đào tạo giáo viên. Mỗi khoa có các bộ môn, trong đó củng cố và phát triển bộ môn phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh các bộ môn trực thuộc khoa, nhà trường thành lập các tổ giảng dạy tích hợp liên môn (Tổ tích hợp khoa học tự nhiên; Tổ tích hợp khoa học xã hội; Tổ giảng dạy trải nghiệm sáng tạo; Tổ giảng dạy kiểm tra đánh giá trong giáo dục…); Quy hoạch đội ngũ, điều chuyển cán bộ để tiếp tục phát triển Trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và cán bộ quản lý; Phát triển Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm từ 1 bộ môn trực thuộc khoa Tâm lý Giáo dục; Phát triển Trung tâm Đào tạo trực tuyến phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên… 

Lộ trình thực hiện tái cấu trúc nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng tới năm 2020 là củng cố và ổn định bộ máy quản lý từ cấp Tổ, Bộ môn trở lên. Đánh giá hiệu quả quản lý của các trung tâm và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. 

Theo TS. Nguyễn Hữu Xuân - Trường Đại học Quy Nhơn: Trường Đại học Quy Nhơn có truyền thống 40 năm đào tạo giáo viên THPT, bề dày kinh nghiệm đào tạo các ngành sư phạm, lực lượng giảng viên tham gia đào tạo ngành sư phạm dồi dào và có trình độ chuyên môn cao. Trong những năm qua, chất lượng SV tốt nghiệp của trường luôn bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng… Trường Đại học Quy Nhơn là mắt xích quan trọng, ngày càng đóng vai trò to lớn trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của cả nước. 

Tuy nhiên, để tái cấu trúc lĩnh vực sư phạm của trường theo yêu cầu đổi mới đào tạo và bồi dưỡng cần thực hiện các giải pháp nhà trường cần: Tái cấu trúc về cơ cấu quản lý; Về chương trình đào tạo; Coi trọng và tăng cường công tác tập sự sư phạm; Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các cấp, nhất là THPT; Tăng cường năng lực giảng viên và đổi mới phương pháp giảng dạy…

Tái cấu trúc sẽ tạo điều kiện để nhà trường thực hiện thành công việc triển khai đào tạo theo mô hình gắn liền với thực tiễn, phát huy năng lực sáng tạo, chủ động cho sinh viên, đáp ứng chuẩn đầu ra, yêu cầu của xã hội đối với các ngành nghề.

Theo Đức Trí (GD&TĐ)