Đại diện CBQL, giáo viên cấp học Mầm non, Trường THSP Đại học Vinh tiếp cận với giáo dục STEM thông qua Hội thảo triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các cán bộ quản lý tại Hà Nội cách đây 4 tháng. Thời gian không qua dài, cũng không quá ngắn để chúng tôi bắt tay vào truyền tải những kiến thức mà Hội thảo mang lại truyền đạt cho giáo viên một cách hiệu quả nhất, đồng thời nhen nhóm cho giáo viên những cảm hứng  tích cực với phương pháp giáo dục mầm non hiện đại. Tinh thần đó đã lan tỏa đến tất cả giáo viên cấp học Mầm non, Trường THSP Đại học Vinh.

Hầu hết các giáo viên rất hứng thú với cách tiếp cận của giáo dục STEM. Đặc biệt sau khi tổ chức lại các hoạt động được tiếp cận từ Hội thảo ngay trên trẻ của Nhà trường, giáo viên thấm nhuần hơn về STEM, từ lí luận cho đến việc triển khai thực tế các hoạt động trên trẻ. Đã có nhiều và rất nhiều cuộc họp chuyên môn nhằm trao đổi, bàn luận và đưa ra các ý kiến thống nhất về việc áp dụng STEM như thế nào vào Nhà trường. Quá trình áp dụng, từ việc trang trí môi trường Nhà trường, môi trường nhóm lớp theo hướng STEM, đến việc nghiên cứu xây dựng các dự án, các đề tài STEM và xây dựng kế hoạch giáo dục STEM phù hợp nhất với chương trình khung đã được bàn bạc, thảo luận chặt chẽ và đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Cứ như vậy, các dự án STEM ra đời một cách cụ thể, chi tiết từ tên dự án, kế hoạch của dự án, quy trình tổ chức, cách thức triển khai, thời gian thực hiện, nhân lực thực hiện.

Điều đặc biệt và khó khăn nhất là lựa chọn các dự án, các đề tài STEM như nào để phù hợp với chương trình GDMN hiện hành và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, tránh việc chỉ tập trung các dự án vào độ tuổi lớn. Thì nay, chúng tôi đã vạch ra một đường đi rất cụ thể và rõ ràng cho từng độ tuổi trẻ khác nhau: Nhà trẻ chủ yếu là phát triển các giác quan, cho trẻ được tiếp xúc nhiều với các chất liệu khác nhau, nắm được đặc  tính cơ bản của các chất liệu đó thông qua nhiều hoạt động khác nhau; 3 – 4 tuổi thực hiện các dự án nhỏ, phù hợp với kĩ năng và khả năng của trẻ, cũng như nội dung chương trình giáo dục mầm non; trẻ 4 – 5 tuổi và 5 – 6 tuổi tham gia hoạt động STEM với các dự án có mức độ khó hơn, đồi hỏi các kĩ năng nhiều hơn, sự sáng tạo rộng hơn, đúng với nhu cầu tìm hiểu của trẻ ở độ tuổi này.

Từ khi tiếp cận đến nay, có thể khẳng định rằng chúng tôi đã tiếp cận tốt, áp dụng hiệu quả và phát triển giáo dục STEM rất tích cực. Hiệu quả của các hoạt động theo hướng tiếp cận giáo dục STEM tác động lên trẻ là không nhỏ: Trẻ chủ động toàn phần trong hoạt động của mình, từ việc lựa chọn ý tưởng, đặt tên dự án, vẽ thiết kế/lên công thức cho đến việc lựa chọn nguyên vật liệu và thực hiện dự án, thuyết trình các dự án một các tích cực, chủ động; giáo viên chỉ làm tròn vài trò dẫn dắt và thúc đẩy. Tham gia hoạt động STEM, tất cả trẻ đều hoạt động tích cực, hăng say, mỗi trẻ một nhiệm vụ cụ thể; các con biết cách làm việc nhóm, thực hiện các bước theo quy trình, nhiệm vụ được nhóm trưởng phân công. Tất cả trẻ được bộc lộ, khai thác triệt để những thế mạnh riêng, những kỹ năng đặc thù. 

Những hình ảnh về các dự án STEM của trẻ các độ tuổi khác nhau:


Trẻ chủ động lên ý tưởng, vẽ thiết kế sản phẩm mình chế tạo. Không gian học ở bất cứ nơi đâu trẻ thích



Trẻ tự quyết định công thức làm thí nghiệm stem, vì vậy mỗi nhóm với các công thức thí nghiệm khác nhau, chẳng nhóm nào giống nhóm nào



Trẻ được tự lựa chọn bất kì vật liệu nào trẻ cho là phù hợp với sản phẩm chế tạo, khác với hoạt động thông thường là giáo viên ấn định cho trẻ vật liệu cụ thể


Đến cả các bé nhà trẻ mà hoạt động nhóm cũng rất tích cực




Trẻ thực sự được hoạt động nhóm đúng nghĩa và rất tích cực


Kỹ năng luồn và buộc giây nhuần nhuyễn, kể cả với chất liệu khó như giây cước cũng không làm khó được trẻ


Kĩ năng tạo cánh hoa từ giây len, cả nhóm không bạn nào làm việc riêng hay nghịch phá, tất cả đều tập trung cho nhiệm vụ


Những vật dụng nguy hiểm như súng bắn keo, dao, kéo, ổ điện...không làm khó được trẻ, vì các kỹ năng an toàn được cô giáo hướng dẫn rất kỹ



Qua thí nghiệm, kỹ năng đong, đo của trẻ được hoàn thiện và chính xác hơn


Cả nhóm tự thuyết trình về bản thiết kế và sản phẩm do nhóm tạo thành. Hãy chú ý vào các số liệu ở bản thiết kế - đó chính là chiều dài, rộng của trang phục được đo bằng các thước đo. Ôi, sao lại có toán vào hoạt động này thế?


Tổ chức hoạt động làm quen với toán dưới phương pháp STEM, trẻ hứng thú khi hoàn thiện sản phẩm hình tam giác do mình tự thiết kế và chế tạo


Trang phục trẻ thiết kế được ứng dụng vào thực tiễn, giúp trẻ mặc hóa trang trong các vai nhân vật với vở kịch "Giao thông an toàn"




Các hình học trẻ chế tạo ra được ứng dụng vào các hoạt động chơi sáng tạo với các hình, thật ngạc nhiên với sự sáng tạo của trẻ 3 tuổi


Yêu các bé nhà trẻ lắm, giáo viên tổ chức hoạt động theo phương pháp mới nhưng các bé tham gia rất tích cực và hiệu quả cao

Điều đặc biệt nhất khi thực hiện các hoạt động STEM là không có so sánh, không có chê bai, không có những nhận xét thiếu tích cực mà ở đó chỉ có khích lệ, thúc đẩy, làm lại và hoàn thiện các sản phẩm dựa trên những gì trẻ nhận thức và tìm hiểu được. Điều lạ là những sản phẩm STEM thất bại lại là những sản phẩm tuyệt vời nhất vì ở đó trẻ khám phá được nhiều bài học vô cùng thú vị. Tư tưởng khác biệt này, tác động không nhỏ đến suy nghĩ, hành động và thái độ tích cực của giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo tốt nguyên tắc tôn trọng trẻ, tôn trọng sự khác biệt trong mỗi cá thể trẻ và mang lại cho trẻ nhiều hạnh phúc.

Với những hiệu quả tích cực mà STEM mang lại, tin chắc rằng, một ngày không xa giáo dục theo phương pháp STEM sẽ được nhân rộng, phổ biến và thực hiện tốt tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Dương Nga