.. ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
Hơn 15 năm vinh dự được làm việc với hai con
người này. Và tự thấy mình quá bé nhỏ...
Một người từ nước Pháp xa xôi. Ông ấy được
thừa hưởng một gia tài đủ để sống nhàn nhã đến hết cuộc đời. Nhưng ông đã không
làm thế. Suốt 17 năm, ông đều đặn từ Pháp qua Việt Nam, rong ruổi suốt dọc dải
đất hình chữ S để trao tận tay từng món quà cho những người trẻ dám yêu và dấn
thân cho khoa học. 17 năm kể từ cái tuổi 55 ấy, sức khoẻ ông đã giảm sút nhiều
phần, nhưng vì yêu Việt Nam, ông đã chẳng ngại bay 11 giờ mỗi chuyến, 38 chuyến
trong ngần ấy năm với tổng quãng đường trên 400.000 cây số để qua lại thăm VN.
Vì yêu mến Việt Nam, ông đã hiến tặng phần lớn tài sản để trao hơn 33.000 suất
học bổng cho học sinh, sinh viên trị giá trên 250 tỷ đồng. Vì yêu Việt Nam, ông
ấy dường như đã không dùng tiền vào mục đích chăm sóc cho bản thân mình, 17 năm
ông vẫn dùng bộ comple cũ mèm, nhắn nhúm màu mỡ gà ấy. Khi được phía Việt Nam
đề xuất tặng ông một bộ quần áo mới, ông ấy đã xua tay mà rằng mình thấy mặc
như thế đã đủ đẹp rồi! Và cũng vì yêu mến Việt Nam, ông ấy hứa còn đi được là
sẽ tiếp tục đến, để được nắm tay, gửi gắm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho các bạn
trẻ Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh khoa học, sánh
bước với bạn bè 5 châu.
Một người khác, 83 tuổi, đến từ Nhật Bản. Ông ấy đã dành
dụm từng đồng lương hưu ít ỏi để góp thành quỹ học bổng tặng các bạn trẻ Việt
Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ 2004 đến nay, ông đã lặn lội sang Việt
Nam 12 lần để trao hơn 250 suất học bổng cho học sinh, sinh viên tại Đại học
Vinh, Đại học Thái Nguyên và một số trường tại Hà Nội. Năm 2011, Nhật Bản chịu
thảm hoạ kép của trận động đất lịch sử, nhà ông nằm trong vùng tâm chấn và chịu
thiệt hại nặng nề. Nhưng ông đã nhờ người ở lại sửa sang và một mình lặn lội
sang Việt Nam trao quà vì không muốn mình lỗi hẹn. Lần khác, mùa thu 2012,
người bạn đời đã gắn bó hơn 50 năm của ông đột ngột ra đi trước ngày ông dự
kiến sang Việt Nam. Ông đã gạt nỗi đau, lo xong công chuyện là lên đường sang
VN để trao học bổng cho sinh viên kịp bước vào năm học mới... Và lần nào cũng
vậy, xong lễ trao trang trọng là hai tiếng đồng hồ ông ngồi tâm tình với từng
em một: hoản cảnh, ước mơ, việc chuẩn bị cho tương lai... và tư vấn, động viên
các em thực hiện ước mơ của mình. Biết một bạn sinh viên nghèo, khuyết tật
nhưng luôn ước mơ sẽ làm giàu trên mảnh đất của cha ông để lại, ông đã động
viên rất nhiều và tự mình đi taxi hơn 70 cây số vào tận vùng núi Hương Khê để
tận mắt thăm nông trại sản xuất cây giống này. Ông đã đặt tên trang trại là
"Vườn ươm Việt" với mong muốn sẽ có nhiều cây non mọc lên mạnh mẽ
trên chính mảnh đất cằn cỗi này. Vì thế, trong số 53 sinh viên nghèo ngày nào,
đã có 3 em trở thành cán bộ cấp sở, một em là giảng viên đại học, 4 em làm việc
trong các tập đoàn kinh tế lớn, 1 em là chủ tịch xã, 22 em là giáo viên; đã có
12 em hoàn thành chương trình thạc sĩ, 8 em học thêm văn bằng 2 để hoàn thiện
mình; đặt biệt có 3 bạn tự khởi nghiệp, và đã khởi nghiệp thành công. Và rồi
năm nay, sau 3 năm kết thúc trao học bổng, sinh viên cuối cùng cũng đã tốt
nghiệp, ông trở lại Việt Nam như lời đã hứa, không để trao học bổng, mà để xem
các bạn sinh viên mình đã đặt niềm tin nay trưởng thành thế nào... Cũng vì cái
lý do, cái mục đích như vậy nên mặc dù trời mưa bão, vẫn có gần một nửa số sinh
viên từng nhận học bổng đã trở về Trường Vinh để được gặp ông. Có bạn làm tại
Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Thái Nguyên vẫn tranh thủ quãng đường hơn 450 cây
số để về gặp ông 30 phút và trở lại làm việc ngay. Thậm chí có bạn còn 8 ngày
dự sinh, vẫn tranh thủ vượt 40 cây số để được gặp ông, để tri ân cho những gì
mình đã nhận...
Đến đây, chắc các bạn đã biết tôi đang nói về
những người nào rồi. Vâng, đó là Odon Vallet, 72 tuổi, giáo sư Lịch sử tôn giáo
Đại học Sorbonne, Paris danh tiếng, người đã sáng lập Học bổng Vallet trao cho
học sinh, sinh viên và nghiên cứu viên xuất sắc của Việt Nam từ năm 2001 đến
nay. Người còn lại là Sadanori Watanabe, một cựu lãnh đạo Hitachi, người đã
cùng người bạn cao niên Kanda lập nên Quỹ học bổng Watanabe-Kanda trao cho SV
đại học Vinh từ
năm
2004 đến năm 2014. Hai con người ấy tuy xa mà gần, tuy hai mà một. Họ đã gặp
nhau ở một điểm: Đó là tình yêu thương! Không, có lẽ chưa đủ. Đó còn là sự sẻ
chia, niềm tin, hi vọng và cả thứ tình cảm khác còn thiêng liêng hơn thế...
... Lúc này đây đã hơn 1 giờ sáng, ngoài trời
đang mưa rất to. Gió đã bắt đầu dồn dập chạy trốn khỏi nanh vuốt khủng khiếp của
cơn bão số 10. Chợt văng vẳng bên tai một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không?
- Để gió cuốn đi...".
GS. Odon Vallet tại Lễ trao học bổng cho học sinh, sinh viên tỉnh Nghệ An năm học 2017 - 2018
Ông Wanatabe đến làm việc với Trường Đại học Vinh
Lê Kông Đức