PGS.TS. PHẠM VĂN LINH
Phó Chủ tịch Hội đồng
Lý luận Trung ương
Nội
dung của những điểm mới trong các văn kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan
trọng, thể hiện vai trò to lớn trong định hướng phát triển đất nước, ở thời
điểm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất
nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang
phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045-
Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ
QUAN TRỌNG CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC LUÔN ĐƯỢC KHẲNG
ĐỊNH
Một là, Cương lĩnh 2011 khẳng định:” khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát
triển lực lượng sản xuất hiện đại... Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục
tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri
thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”[1]. Điều này thể hiện sự tiếp tục phát triển nhận
thức, các quan điểm lớn về phát triển khoa học, công nghệ trong các giai đoạn
trước đây, từ Cương lĩnh 91, Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII cho đến hiện
nay. Đặc biệt là trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, lĩnh vực nghiên
cứu ứng dụng và triển khai về khoa học và công nghệ được coi trọng.
Hai là, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai
đoạn 2010-2020 xác định: “ Hướng trọng tâm hoạt động
khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chiều
sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh
tranh của nền kinh tế”[2]. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định:” Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; khoa học
và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã
hội của đất nước”. Bên cạnh đó, các văn kiện quan trọng của
Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ trong các nhiệm kỳ đại hội XI, XII đã
cụ thể hóa, như: Hệ thống pháp luật, chính sách phát triển khoa học và công
nghệ ngày càng hoàn thiện, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng lên.
Ba là, thành tựu trong phát triển khoa học và công
nghệ sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện
Cương lĩnh 2011. Khoa học và công nghệ đã đạt được những thành tựu quan trọng,
đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm
quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó
với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm
công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp
sáng tạo phát triển sôi động, với hơn 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp, 40 quỹ đầu
tư mạo hiểm, 40 khu không gian làm việc chung, 30 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp và
10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; thị trường công nghệ, hệ thống sở hữu trí tuệ
từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh
doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng với tỷ lệ hài
hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt gần 50%. Các trung tâm ứng dụng và chuyển giao
công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố được đầu tư nâng cấp. Đã có nhiều chuyển biến
tích cực trong hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách thu
hút, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia
đóng góp về khoa học cho đất nước được hoàn thiện hơn.
Bốn là, những hạn chế, yếu kém thậm chí là điểm nghẽn trong
nhận thức và tổ chức thực hiện cần sớm được khắc phục, như: nhận thức về vị
trí, vai trò của khoa học và công nghệ tuy đã được nâng lên, nhưng chưa đáp ứng
được yêu cầu trở thành nền tảng, là quốc sách, động lực cho phát triển kinh tế-
xã hội. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu chưa bám sát yêu cầu sản xuất và đời sống.
Đóng góp của khoa học và công nghệ cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng
năng suất lao động xã hội còn nhiều bất cập. Một số quy hoạch, kế hoạch phát
triển ngành, lĩnh vực và địa phương chưa dựa trên cơ sở đánh giá chuyên sâu về
khoa học.
Một số chỉ tiêu lớn về khoa học và công nghệ được nêu
trong các văn bản quản trọng của Đảng, Nhà nước chưa đạt được yêu cầu, như đến
năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các
nước dẫn đầu ASEAN; tác động của khoa học, công nghệ đối với đổi mới mô hình
tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia chuỗi
giá trị toàn cầu còn hạn chế. Năng suất lao động trong nhiều ngành kinh tế của
Việt Nam còn rất thấp. Chưa thực sự có giải pháp đột phát trong phát triển nội
bộ ngành.
Năm
là, quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và
công nghệ nhiệm kỳ Đại hội XII, đặt ra yêu cầu phải xác định rõ định hướng mới
cho lĩnh vực này trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Về thành tựu: khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai
trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ
của đất nước được tăng cường. Hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ được
nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng
tạo. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn
trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử
dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm
quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ
nhân dân. Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích
cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát
triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã
hội, con người Việt Nam. Một số cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý khoa
học và công nghệ bước đầu phát huy tác dụng. Quản lý nhà nước về khoa học và
công nghệ có bước đổi mới.
Bên cạnh đó, vẫn còn những
hạn chế, yếu kém như: việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát
triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, nhất là công nghệ cao. Tuy
đã có nhiều cố gắng, nhưng cơ chế, chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học
và công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát
huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. So với yêu cầu phát triển của đất nước, đầu
tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, chưa hiệu quả. Hệ thống thông tin, thống
kê khoa học và công nghệ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ việc xây dựng
chiến lược, chính sách. Bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa đạt yêu cầu. Chưa gắn kết
chặt chẽ khoa học tự nhiên, khoa học- công nghệ và khoa học xã hội và nhân văn,
khoa học lý luận chính trị…
II. NỘI DUNG CƠ
BẢN CỦA NHỮNG ĐIỂM MỚI
Thứ nhất, về đề mục, các văn kiện lần này, như Báo cáo
Chính trị tập trung đề cập ở mục VI, với tiêu đề: thúc đẩy đổi mới sáng tạo,
chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, so với Đại hội
XII, tiêu đề thêm cụm từ: thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao và đặt lên trên
để nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-
xã hội 10 năm 2021-2030, vấn đề được trình bày ở điểm 2, mục V- phương hướng,
nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, với tiêu đề: phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm
tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền
kinh tế. So với Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn
2010-2020, vấn đề này được trình bày ở điểm 10, mục IV- Định hướng phát triển
kinh tế- xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó
tiêu đề được xác định là: phát triển khoa học và công
nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.
Thứ hai, các văn kiện lần này tiếp tục làm rõ nội dung, yêu cầu: “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp xu thế
chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[3]. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương
khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát
triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng
suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ
ba, đã cụ thể hóa hơn các ngành khoa học cần chú
trọng trọng phát triển, đó là: khoa học tự nhiên, khoa học- kỹ thuật và công
nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt, lần đầu tiên khoa học lý luận chính trị được nhấn mạnh đậm nét. Đồng thời, đề cập cụ thể
hơn yêu cầu đối với các lĩnh vực khoa học, theo đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ
khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất sự nghiệp đổi
mới, phát triển kinh tế, xã hội. Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và
tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Gắn
kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và công nghệ
trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất
nước. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, văn kiện Đảng lần này rất coi
trọng ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người, quốc phòng, an
ninh trọng yếu. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ gắn
với đổi mới toàn diện chính sách nhân lực khoa học và công nghệ, ưu tiên thu
hút nhân tài, các nhà khoa học có tâm huyết với công cuộc phát triển và bảo vệ
đất nước.
Ứng dụng và phát triển
công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo,
chuỗi khối (blockchain), in 3D, Internet vạn vật, an ninh mạng, năng lượng
sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh
tế. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính của
tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong trị quốc gia, quản lý nhà
nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội.
Thứ
tư, Văn kiện Đại hội XII mới nêu: tiếp tục đổi mới mạnh
mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ. Văn kiện
Đại hội XIII thay từ cơ chế bằng thể chế: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng
dụng, phát triển khoa học và công nghệ. Chuyển đổi cơ chế đầu
tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào
kết quả, hiệu quả cuối cùng. Các ngành, các cấp có trách nhiệm trong việc thúc
đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực theo quy
định. Nhấn mạnh, phạm vi tập trung hoàn thiện thể chế,
chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nhất
là nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư để
phát triển nền khoa học Việt Nam; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi
mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh
doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính
sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô
hình kinh doanh mới. “Có cơ chế, chính sách kinh tế,
tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi
mới công nghệ [4] . Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình
hành động để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, địa phương.
Năm là, nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc
tế, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạoquốc gia,
lấy nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển con người làm mục tiêu. ”Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thực hiện tốt các chính
sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa
học và công nghệ, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực khoa
học và công nghệ” [5].
Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Có chính sách
hỗ trợ hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng
tạo. Đa dạng hoá hợp tác quốc tế, ưu tiên các đối tác chiến lược. Gắn hợp tác
quốc tế về khoa học và công nghệ với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã
hội, quốc phòng và an ninh. Đồng thời, xác định rõ trọng tâm hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ
đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới, đó là: “Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, đa
dạng hoá đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học,
công nghệ tiên tiến”[6], gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về
khoa học, công nghệ với hợp tác kinh tế quốc tế. Phát triển mạng lưới kết nối
nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà
khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.
Sáu là, đã xác định rõ hơn nguyên tắc trong chuyển đổi
cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ là: theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng.
Tăng cường đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường trên
cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân. Hỗ
trợ khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa
học và công nghệ.Các ngành, các cấp có trách nhiệm trong việc thúc
đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Trọng tâm đổi mới cơ
chế hoạt động và tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa
học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền
kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa
học, công nghệ. Tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao phù hợp
với cơ chế thị trường, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị nghiên cứu khoa học,
công nghệ công lập.[7]“Cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ sở nghiên cứu; đẩy
mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp, trường đại học, cơ
sở đào tạo gắn với nhu cầu thị trường”. Đồng thời, khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển
khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tăng cường liên kết doanh nghiệp với các
viện nghiên cứu, trường đại học, nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp
thu, làm chủ và từng bước tham gia tạo ra công nghệ mới.
Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản;
tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số. Cơ cấu lại các
chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ, gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá
trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai
nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then
chốt. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai, trong đó chú trọng nghiên
cứu ứng dụng và thương mại hóa kết quả. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý ngân
sách nhà nước chi cho khoa học, công nghệ; thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng
nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ.
Bảy là, để phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, lần
này xác định cụ thể hơn, đó là: phát triển một số ngành khoa học và công
nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với
điều kiện, nguồn lực của đất nước. Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo
quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo
hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng,
bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu. Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng, tạo
điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn
tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn. Nhấn mạnh vị trí doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo; mục tiêu,
một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Theo đó, lấy
doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống
đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phấn đấu
đến năm 2030, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%. Phát
triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.
Nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ trong nước để có thể
triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung
phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số,
thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hoá, điện tử y sinh,
năng lượng, môi trường. Phát huy vai trò của các quỹ về phát triển khoa học và
đổi mới công nghệ trong thúc đẩy nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng
dụng và chuyển giao công nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở nghiên
cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các khu công nghệ cao.
Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung
gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao
dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa
học và công nghệ ở các địa phương. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ
và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công
nghệ tiên tiến của thế giới. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh
để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. Phát triển
mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về
khoa học, công nghệ. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí
tuệ. Mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hoà với tiêu chuẩn
quốc tế.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy thấy, nội dung của
những điểm mới trong các văn kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể
hiện vai trò to lớn trong định hướng phát triển đất nước, ở thời điểm chuẩn bị
kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ
niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công
nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045- Việt Nam trở thành
nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu đó, vai
trò khoa học và công nghệ có vị trí then chốt, vì thế những điểm mới về các vấn
đề này trong các văn kiện trình Đại hội XIII có nhiều ý nghĩa sâu sắc./.
[1] [2] Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia. H 2011, tr
78, 132.
[3] [4] [5] [6] [7] Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia,
H. 2021, tr 140, 226, 142, 230, 228.