Tết cổ truyền, là sự kiện luôn chứa đựng những điều gì đó thiêng liêng, đầy cảm xúc đối với mỗi người con Việt Nam. Với trẻ nhỏ đó là niềm hân hoan được thêm tuổi mới với những phong bao lì xì, những chiếc áo đẹp diện xuân. Còn đối với người lớn thì Tết hiện ra trong sắc vàng của nắng xuân, sắc đỏ hoa đào, hoa mai và không khí tấp nập ùa về, gia đình xum họp quây quần vui vẻ bên nhau, là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính và hiếu thảo với ông bà cha mẹ, là dịp để đôi lứa kết duyên nặng nghĩa tình.
Sắc đào tươi đón Tết
Nhìn chung mỗi người khác nhau thì đều sẽ có những định nghĩa khác nhau về ngày Tết. Đối với tôi ký ức về ngày Tết khi còn bé thơ đó là sự lung linh, kỳ diệu như ánh đèn nhấp nhánh ông treo trên cây đào phai ở ngoài sân, là mùi nhang nồng ấm thoang thoảng bay và tiếng pháo hoa râm ran khoảnh khắc giao thừa.
Là một sinh viên đang theo học dưới mái trường Đại học Vinh, ý thức về việc bảo vệ và phát huy những nét văn hoá truyền thống dân tộc là cần thiết, không chỉ riêng tôi mà còn là tất cả mọi người. Mỗi dịp Tết đến, sinh viên toàn trường lại cùng chung tay với các chương trình "Mùa Đông ấm", "Tết ấm", "Xuân tình nguyện",... Những chuyến đi thăm hỏi tặng quà đồng bào ở những vùng khó khăn, những nụ cười ấm áp của các em nhỏ vùng cao, cái bắt tay nồng hậu của người dân và những điệu múa bên chum rượu cần hòa cùng ánh lửa bập bùng làm cho Tết của sinh viên bây giờ thêm những sắc màu mới và thật ý nghĩa. Mặc dù sinh viên ai nấy đều bận rộn phần vì việc học tập, hoạt động đoàn hội, làm thêm, phần vì chuẩn bị về bên gia đình, nhưng cái cảm xúc bồi hồi, mong ngóng, cái không khí rộn ràng xung quanh làm ánh lên trên mắt nhìn mỗi bạn sinh viên những niềm vui, háo hức đón Tết.
Sinh viên với "Mùa đông ấm" cùng trẻ em bản làng
Tết ấm cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Cuộc sống bây giờ nhiều bộn bề và lo toan, về quê ăn Tết được ít ngày là chúng tôi lại phải vội vã lên đường. Thế nhưng, chúng tôi thấy mình còn may mắn lắm, bởi vì trẻ thơ bây giờ ít có được những kỉ niệm mà chúng tôi đã từng trải qua: không được phụ bố lau lá chuối gói bánh tét bánh chưng, trông bếp lửa hồng, dọn dẹp bàn thờ cúng gia tiên, không được chơi các trò chơi dân gian ngày Tết .... Thay vào đó Tết của nhiều em bây giờ là Tết của những trò chơi công nghệ, điện thoại, chụp ảnh,... rất hiện đại theo sự phát triển của công nghệ và của nền kinh tế thị trường.
Gói bánh chưng ngày Tết
Tết vui cùng trẻ nhỏ
Ngày nay, dù Tết đã khác nhiều lắm, vị Tết cũng đổi thay. Nhưng có một điều vẫn mãi không thay đổi - đó chính là khoảng thời gian đặc biệt dành riêng cho gia đình. Chỉ cần có gia đình, có những người thân ruột thịt ở bên, là luôn còn vị Tết.
Tống Văn Bính - Lớp 58 B Báo Chí - Khoa Sư phạm Ngữ văn