Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào "Dân vận khéo", ngay sau khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai, gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XI và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, nâng cao nhận thức của của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới, xem đây là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng bộ.

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường với tinh thần "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân" thường xuyên tiếp xúc với cán bộ, viên chức và người học để nắm bắt, tâm tư nguyện vọng và tham mưu giải quyết các kiến nghị, đề xuất hợp lý. Chỉ đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh và các đảng bộ bộ phận, chi bộ, các đơn vị trực thuộc Trường cụ thể hoá các nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua "Dân vận khéo" và xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; tích cực tuyên truyền đoàn viên, hội viên tham gia cuộc thi viết về các tấm gương "Dân vận khéo"; thực hiện có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU ngày 01/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về xây dựng các mô hình, điển hình gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Nhà trường luôn xác định đổi mới nội dung công tác dân vận chính quyền theo hướng thực hiện đúng nhiệm vụ, không chồng chéo, trùng lặp với công tác dân vận của Đảng, các đoàn thể. Nội dung vận động càng chi tiết, cụ thể, thiết thực thì cán bộ, viên chức và người học càng dễ tiếp nhận và tích cực tham gia thực hiện. Dân vận chính quyền tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực cán bộ, viên chức và người học, góp phần thực hiện sứ mạng của Trường Đại học Vinh "là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, luôn hướng tới sự thành đạt của người học" và tầm nhìn "Trường Đại học Vinh là trường đại học trọng điểm quốc gia, nằm trong nhóm các trường đại học có thứ hạng cao của châu Á".

Giai đoạn 2016 - 2020, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng và phát triển một số mô hình "Dân vận khéo" sau đây:

1. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Đảng ủy đã chỉ đạo Nhà trường và các đơn vị thực hành tiết kiệm trong mọi hoạt động, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu; tiết kiệm nhân lực; tiết kiệm trong việc tổ chức hội họp, tiếp khách, hội thảo; mua văn phòng phẩm; mua báo, tạp chí... Nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giúp điều hành công việc nhanh chóng, thuận tiện, giảm các chi phí.

- Nhằm phù hợp với công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng một cách tốt nhất với thế giới việc làm, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã xây dựng và thực hiện nhiều đề án, kế hoạch công tác lớn có tính đột phá như: Đề án thành lập Hội đồng Trường, Đề án tái cấu trúc Nhà trường (Đề án thành lập các viện; Đề án thành lập Trường thuộc Trường Đại học Vinh); Đề án thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng - Trường Đại học Vinh, Đề án thành lập phân hiệu Trường Đại học Vinh tại khu vực phía Nam…

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo sắp xếp công tác tổ chức và cán bộ theo hướng giảm đơn vị hành chính, giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý để phù hợp với sự phát triển của Nhà trường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý:  Đã thành lập 6 viện (Viện Sư phạm Tự nhiên, Viện Kỹ thuật và Công nghệ, Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Viện Sư phạm Xã hội, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn) trên cơ sở sáp nhập 11 khoa (Sư phạm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ thông tin, Điện tử Viễn thông, Nông Lâm Ngư, Sư phạm Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý - Quản lý tài nguyên, Giáo dục chính trị). Thành lập Trường Thực hành Sư phạm trên cơ sở sáp nhập Trường Mầm non Thực hành, Trường Tiểu học Thực hành và phổ thông thực hành. Sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Thiết bị và Phòng Quản trị thành Phòng Quản trị và Đầu tư; sáp nhập Trung tâm Thể dục Thể thao vào Khoa Giáo dục Thể chất; sáp nhập Trung tâm Đào tạo từ xa và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; sáp nhập Khoa Điện tử Viễn thông vào Khoa Vật lý và Công nghệ. Đổi tên Trung tâm Đào tạo liên tục thành Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp. Thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Khởi nghiệp sáng tạo. Thành lập Văn phòng Đảng - Đoàn thể trên cơ sở sáp nhập Tổ Chuyên trách, Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng Hội đồng Trường, Văn phòng Công đoàn, Văn phòng Đoàn Thanh niên và Văn phòng Hội Cựu chiến binh Trường. Thành lập Ban Quản lý Cơ sở 2 trên cơ sở sáp nhập bộ phận hành chính của các đơn vị tại Cơ sở 2. Thành lập Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm. Đổi tên Phòng Thanh tra Giáo dục thành Phòng Thanh tra - Pháp chế. Đổi tên Trung tâm Nghiên cứu và Khởi nghiệp sáng tạo thành Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo…

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Trường hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm. Các đề án đã làm rõ từng công việc, nhóm công việc, thực trạng đội ngũ viên chức, các yếu tố ảnh hưởng đến vị trí việc làm. Từ đó, xác định danh mục các vị trí việc làm cần thiết trong đơn vị, xây dựng bảng mô tả công việc cũng như khung năng lực của từng vị trí việc làm và xác định chức danh nghề nghiệp tương ứng.

2. Vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh…

- Đảng ủy Trường đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động hết sức có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực như các chương trình an sinh xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới, hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là vai trò đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương của tỉnh Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung.

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động vì cộng đồng như: vận động cán bộ, đoàn viên quyên góp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo vùng khó khăn; hoàn thành việc xây dựng và trao tặng 10 ngôi nhà tình nghĩa, tặng bò sinh sản cho 20 hộ nghèo của xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp; đi thăm, tặng quà và chúc Tết tại nhiều huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Số tiền huy động từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, viên chức cho các hoạt động xã hội vì cộng đồng từ năm 2015 đến 2020 là hơn 11 tỷ đồng.

3. Hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tập và rèn luyện

- Thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước cho người học. Đảng ủy đã chỉ đạo Công đoàn Trường vận động mỗi cán bộ, viên chức, ủng hộ một ngày lương cơ bản, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ để đóng góp vào quỹ học bổng của Nhà trường. Dịp Tết âm lịch hàng năm, Nhà trường đã trao hàng trăm suất quà tết cho các bạn học sinh, sinh viên. Nhà trường cũng đã trao hàng trăm suất học bổng tài trợ cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016 - 2020, Nhà trường đã cấp 80 tỷ đồng học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.

- Tổ chức tốt tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, đầu năm học, cuối khóa, các đợt báo cáo thời sự cho học sinh, sinh viên. Định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị đối thoại giữa Hiệu trưởng với sinh viên. Nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận một cửa để giải quyết công khai, kịp thời, hiệu quả các vấn đề liên quan đến người học. Công tác đánh giá, xếp loại sinh viên được tiến hành nghiêm túc, khách quan từ cấp lớp, cấp khoa đến cấp Trường.

- Trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong học tập, liên hệ với các doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm cho sinh viên. Giai đoạn 2016 - 2020, Nhà trường đã ký kết và thiết lập mối quan hệ hợp tác với hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tổ chức hơn 80 chương trình hội thảo, hội nghị, các diễn đàn tư vấn cho sinh viên. Triển khai 7 khóa đào tạo về "Khởi sự kinh doanh". Tổ chức hàng chục khóa đào tạo kỹ năng mềm, tập huấn "Thương mại điện tử" và Talk Show. Kêu gọi tài trợ và cấp phát học bổng với số tiền hơn 9 tỷ đồng. Phối hợp triển khai hàng loạt các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khảo sát, thống kê việc làm của 16.397 sinh viên tốt nghiệp.  

- Khởi xướng các chương trình định hướng nghề nghiệp, thực tập sinh, du học và làm việc sau tốt nghiệp tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Singapore, Bungary, Israel, Australia... với hàng trăm lượt sinh viên thụ hưởng... Nhà trường đã thành lập Ban liên lạc cựu sinh viên cấp Trường và chỉ đạo các khoa, viện thành lập các Ban liên lạc cựu sinh viên của đơn vị.

4. Tình nguyện chung sức vì cộng động

- Đảng ủy Trường đã chỉ đạo Đoàn trường, Hội sinh viên Trường tổ chức tốt các Chiến dịch tình nguyện hè và tình nguyện tại chỗ. Toàn Trường đã thành lập hàng chục đội sinh viên tình nguyện tập trung với hàng nghìn tình nguyện viên tham gia trong các đội hình: sinh viên tình nguyện về huyện; Tiếp sức mùa thi; Tư vấn tuyển sinh; Đội sinh viên tình nguyện dạy tiếng Việt tại Lào; Đội Công tác xã hội số 1 tại Làng trẻ em SOS Vinh; Đội Công tác xã hội quyên góp, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, Đội Thanh niên xung kích, Đội sinh viên tình nguyện xung kích...

- Tuổi trẻ Nhà trường đã tổ chức nhiều đợt hiến máu tình nguyện thu được hàng nghìn đơn vị máu, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào này; quyên góp được hàng chục nghìn bộ quần áo, sách, vở, giấy, bút, chăn, màn, lương thực... giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, thanh thiếu nhi ở vùng khó khăn, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập, rèn luyện tốt.

5. Mô hình cải cách hành chính một cửa, một cửa liên thông

Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đặt tại Phòng Hành chính Tổng hợp bảo đảm giải quyết công việc cho cán bộ và sinh viên, nhanh chóng, thuận tiện. Các tập thể, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận một cửa, không phải trực tiếp đến bất kỳ đơn vị nào khác trong Trường để làm việc. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã thể hiện sinh động việc học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học và đổi mới, phong cách ứng xử; đức tính trung thực, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mô hình này của Trường Đại học Vinh đã được nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước học tập kinh nghiệm.

Trong những năm qua, vị thế của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là 1 trong 8 trung tâm chủ chốt đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của cả nước; được thụ hưởng Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP). Năm 2017, Nhà trường đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là trung tâm thứ 5 của cả nước. Tháng 3/2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế. Tháng 4/2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên liên kết của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Trong những năm tới, cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường tiếp tục kế thừa truyền thống tự lực, tự cường; phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể và cá nhân; huy động mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh ủy Nghệ An, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thực, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần quan trọng đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững; "làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.

Nguyễn Quang Tuấn