"Cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là chuyển đổi việc dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Đối với ngành Giáo dục, thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chính là cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết một cách có hiệu quả nhất theo đúng tinh thần của Nghị quyết.
Để thực hiện được chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch giáo dục mỗi nhà trường được xây dựng trên cơ sở phù hợp với từng cơ sở giáo dục và địa phương, tuy nhiên không thể làm mất đi điều quan trọng nhất là phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Có cụ thể hóa được chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hay không chính là nằm ở Kế hoạch giáo dục nhà trường" - nhà giáo Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho biết.
Nhà giáo Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng)
Theo thầy Quý: "Điều đầu tiên các nhà trường phải có sự thay đổi mạnh mẽ là từ nhận thức của Ban lãnh đạo, đến các thầy cô trong nhà trường, tiến tới thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh.
Các nhà trường muốn thực hiện được, theo tôi người đứng đầu cơ sở giáo dục và ban lãnh đạo nhà trường cần phải thay đổi trước tiên, họ là những người phải xác định được việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một sứ mệnh lịch sử và việc xây dựng kế hoạch nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm số một trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai: Các nhà trường phải tập trung vào việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Thực tiễn cho thấy việc đào tạo giáo viên, và việc giảng dạy trong các nhà trường còn nặng theo hướng truyền thụ kiến thức, việc phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh chưa thực sự đạt được hiệu quả, chưa nói đến còn nhiều bất cập, khó khăn.
Bây giờ chúng ta phải thay đổi, phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng được nhu cầu về sự lựa chọn môn học mới của học sinh là một chuyện, mà phải thay đổi phương pháp giảng dạy, tăng cường việc tổ chức các hoạt động. Như vậy, thầy cô phải có một bước tiến rất mạnh, thầy cô phải chuẩn bị bài bắt đầu từ chương trình giáo dục, phải có mục tiêu rõ ràng, phải tổ chức được hoạt động để hướng tới việc học sinh đạt được những phẩm chất năng lực đề ra một cách thực sự.
Vì thế đội ngũ giáo viên là then chốt, quyết định. Kế hoạch giáo dục nhà trường đề ra có thực hiện thành công hay không, và xa hơn nữa là có đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới nằm ở đội ngũ thầy cô.
Có thể hiểu đơn thuần bồi dưỡng đội ngũ các nhà trường từ việc thay đổi nhận thức, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, đặc biệt phải giúp thầy cô thực sự chủ động trong việc tự học, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy để họ năng động, tự tin, chủ động hơn trong quá trình tự học và giảng dạy.
Thứ ba: Các nhà trường cần chủ động tham mưu với các cấp, các ngành để giúp xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục. Trước kia chúng ta chỉ có các lớp học, các phòng thực hành,…một cách cơ bản, đơn thuần. Nhưng giờ đây lớp học, phòng thí nghiệm,…phải đáp ứng được yêu cầu học tập cao hơn của từng bộ môn, như vậy cơ sở vật chất cần được chú trọng đầu tư mạnh mẽ.
Việc này đôi khi nằm ngoài "tầm tay" của các nhà trường, việc đầu tư của các tỉnh, thành phố đối với ngành Giáo dục sẽ quyết định việc chuẩn bị một nền tảng cơ sở vật chất có tốt hay không cho Chương trình giáo dục phổ thông mới".
Hiệu trưởng luôn là người chịu trách nhiệm
Thầy Quý cho biết: Vẫn biết là chúng ta đang nỗ lực trong việc thực hiện chương trình giáo dục hiện hành, nhưng nếu nhà trường nào chủ động, bồi dưỡng đội ngũ trên cơ sở nền tảng các mô đun tập huấn của Bộ, kết hợp với việc tự học tự bồi dưỡng của thầy cô, động viên khích lệ, đưa ra những tiêu chí để hướng các thầy cô nắm bắt được tinh thần đổi mới, đến việc tập huấn nội dung trong mô-đun thì nhà trường đó sẽ đi trước, sẽ bắt kịp xu hướng thực hiện chương trình mới.
Người hiệu trưởng phải là người truyền lửa đổi mới, là người thu hút các nguồn lực và chịu trách nhiệm trước việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của mỗi nhà trường. Hiệu trưởng không thể thụ động mà phải chủ động, phải chịu khó học tập để hiểu sâu sắc nhất về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thời gian đã rất cận kề nên các hiệu trưởng trung học phổ thông bắt buộc phải đi trước đón đầu, tham mưu với các cấp lãnh đạo và đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại đang hiện hữu tại địa phương, đơn vị trong việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Các cấp lãnh đạo cần tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế linh hoạt, giúp các hiệu trưởng làm việc một cách thực chất, không hình thức, không mắc bệnh thành tích, đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Các cấp lãnh đạo cần có cơ chế bảo vệ những người dám đổi mới, dám thay đổi, tất nhiên là đổi mới và thay đổi vì cái chung, vì sự phát triển của giáo dục, của các thế hệ học trò, chứ không phải vì mục đích lợi ích cá nhân. Nếu hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm, có sự linh hoạt, chủ động thì kết quả sẽ rất tốt, tạo hiệu ứng thay đổi trong ngành giáo dục và đào tạo".
Cần "giải quyết" được sức ỳ
Thầy Quý chia sẻ: "Làm một phép so sánh nếu bỏ qua các khó khăn các vùng miền trong cả nước, giữa miền núi, đồng bằng, hải đảo, thành thị và nông thôn về kinh tế và điều kiện cơ sở vật chất, thì theo tôi điều khó khăn lớn nhất các nhà trường đang mắc là nằm ở chỗ đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giáo viên có thực sự thay đổi hay không? Mấu chốt nằm ở chỗ đó, chứ không nằm ở cơ sở vật chất.
Tôi đã đi khá nhiều trường ở một số địa phương trong và ngoài thành phố để chia sẻ, học hỏi, nghiên cứu, và thấy rằng rất nhiều thầy cô ở vùng xa rất khó khăn nhưng họ rất chịu học hỏi, nỗ lực vươn lên trong quá trình đổi mới. Nhưng đôi khi tại một số ngôi trường lớn có điều kiện về kinh tế nhưng sức ỳ của giáo viên lại rất lớn, "ngại" thay đổi dẫn đến việc đổi mới còn gặp rất nhiều khó khăn".
Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) trong giờ ngoại khóa
Thầy Quý nhận định: "Thực tế cho thấy không phải chỉ ở một nhà trường, mà hiện nay "sức ỳ" của đội ngũ giáo viên rất lớn, để thay đổi được điều này không hề đơn giản, không đơn thuần về cơ chế chính sách, tăng tiền lương mà còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố như sự năng động, sáng tạo của ban lãnh đạo có tạo ra nguồn cảm hứng đổi mới của giáo viên hay không, môi trường làm việc có tạo được sự vui vẻ, hạnh phúc với các thầy cô hay không,…theo tôi đây là vấn đề rất khó khăn hiện nay đối với các nhà trường.
Động lực thúc đẩy giáo viên đổi mới sáng tạo chính là từ người hiệu trưởng, từ ban lãnh đạo nhà trường. Hiệu trưởng rất quan trọng, là người tạo ra nguồn cảm hứng cho đội ngũ, người đứng đầu thay đổi là cả bộ máy thay đổi. Quyết tâm khó nhất nằm chính ở người hiệu trưởng, hiệu trưởng phải là người nắm chắc nội dung, phương pháp, nguyên tắc, quy trình, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, những nội dung triển khai. Hiệu trưởng phải là người cùng học, chân thành chia sẻ với đồng nghiệp những khó khăn mà bản thân hiệu trưởng cũng đang vướng mắc để mọi người cùng hợp tác và sẻ chia.
Quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục bộ môn, nếu thấy bất cập, cần điều chỉnh, hoặc cần điều chỉnh để hiệu quả hơn thì ban lãnh đạo tạo mọi điều kiện cho giáo viên bộ môn thảo luận, thống nhất thực hiện, khuyến khích thầy cô điều chỉnh việc thực hiện kế hoạch giáo dục.
Nếu hiệu trưởng làm tốt những điều đó, giáo viên sẽ thấy rất yên tâm bởi hiệu trưởng như một chỗ "dựa", luôn cung cấp những ý tưởng đổi mới, cùng đồng hành từ tập huấn cho đến chỉ đạo các bước thực hiện, sai đâu sửa đó, hiệu trưởng luôn là người chịu trách nhiệm, vì thế giáo viên dám làm, dám thực hiện. Như vậy người hiệu trưởng cần phải có tư duy hệ thống, chia sẻ được tầm nhìn cho các thành viên trong trường, tạo ra những thách thức và tư duy đổi mới trong nhà trường.
Vậy có thể nói thực tế những khó khăn của các nhà trường để triển khai trong toàn quốc Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, và tiến tới xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện của địa phương, hoặc điều kiện của cơ sở giáo dục, thì mấu chốt vẫn nằm ở chỗ phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi phương pháp làm việc và bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ giáo viên, có làm tốt được việc đó mới hy vọng thay đổi được năng lực phẩm chất của người học".
Theo giaoduc.net.vn