Theo TS. Sái Công Hồng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học, học kỳ II năm học 2019 - 2020.
Dựa vào hướng dẫn tinh giản, Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng mời các thầy cô giáo là giáo viên giỏi, có kinh nghiệm xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Phân tích các đề thi tham khảo các môn vừa được Bộ GD&ĐT công bố, có thể thấy các câu hỏi đều không ra vào nội dung kiến thức được tinh giản thuộc chương trình học kỳ II của lớp 12, năm học 2019 - 2020; các câu hỏi thuộc nội dung kiến thức của học kỳ II lớp 12 trong đề thi đã giảm toàn bộ những câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, chỉ còn lại câu hỏi cấp độ nhận biết và thông hiểu.
Hay nói cách khác, những câu hỏi này tập trung khai thác vào các khái niệm, các kiến thức cơ bản của các bài học, những nội dung kiến thức này học sinh có thể học dễ dàng chiếm lĩnh qua hình thức thức đang được triển khai hiện nay là học qua internet, trên truyền hình.
Về định dạng và cấu trúc đề thi, có thể thấy độ khó của đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020 nhẹ nhàng hơn so với đề thi tham khảo và cả đề thi chính thức năm 2019. Có khoảng 70% câu hỏi vào nội dung kiến thức cơ bản; khoảng 20% câu hỏi mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức vận dụng cao.
TS. Sái Công Hồng lưu ý, hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ: không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản, cụ thể là các yêu cầu hướng dẫn thực hiện với các cụm từ: "không dạy", "không làm", "không thực hiện", "khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)". Đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2020 tới đây cũng phải tuân thủ theo các quy định này. Tuy nhiên, phần tự học có hướng dẫn thì có thể ra đề kiểm tra, ra đề thi vào nội dung này nên các thầy cô giáo và các em học sinh lưu ý.
Để khai thác đề thi tham khảo trong quá trình dạy học và giúp học sinh ôn luyện, theo TS. Sái Công Hồng, các thầy cô nên phân tích kĩ đề tham khảo, khu trú lại những nội dung hết sức căn bản, tích hợp các chủ đề để định hướng việc dạy học và ôn tập cho học sinh.
Đặc biệt, với những câu hỏi mang tính căn bản, nằm hoàn toàn trong chương trình, sách giáo khoa, giáo viên, học sinh có thể phân tích từng câu, xem câu nào thuộc chủ đề nào, câu nào thuộc khối kiến thức nào, trên cơ sở đó hệ thống hóa kiến thức, làm sao sắp xếp các chủ đề liên thông với nhau để ôn tập tốt kiến thức căn bản; từ đó làm tiền đề cho số câu hỏi thuộc nội dung cấp độ vận dụng và vận dụng cao còn lại.
"Mong các thầy cô trong quá trình giảng dạy, trong đó có dạy học qua internet, trên truyền hình, bám sát nội dung tinh giản Bộ GD&ĐT đã ban hành, đồng thời bám sát đề thi tham khảo để giúp học sinh học tập và ôn tập tốt hơn, tự tin, vững vàng hơn" - TS. Sái Công Hồng lưu ý thêm.
Nguồn: Giáo dục và Thời đại