Đó là chia sẻ của GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - người đầu tiên được giao chủ trì chỉ đạo việc xây dựng Luật Phổ cập GD tiểu học năm 1991 (đạo luật đầu tiên của nền GD Cách mạng), Luật GD năm 1998 - khi trao đổi về Dự thảo Luật GD sửa đổi.


GS. Phạm Minh Hạc

Tháo gỡ "điểm nghẽn", làm tiền đề cho phát triển GD

- Được biết, GS quan tâm rất sát sao quá trình sửa đổi, bổ sung Luật GD. Điều này thể hiện qua việc GS đã có những ý kiến đóng góp cho Ban soạn thảo ngay từ bản dự thảo đầu tiên. Vậy, GS đánh giá như thế nào về bản Dự thảo Luật GD mới nhất mà Bộ GD&ĐT trình để lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV?

Tính từ khi Luật GD nước nhà được ra đời năm 1998 đến nay, đã có 1 lần được thay thế năm 2005 và 1 lần được sửa đổi, bổ sung trực tiếp năm 2009; và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật GD nghề nghiệp năm 2014 và Luật Phí và lệ phí năm 2015.

Qua tổng kết thực tiễn 13 năm thi hành tính từ năm 2005, Luật GD đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động GD-ĐT, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Trước đòi hỏi của thực tiễn và xu thế phát triển của cách mạng khoa học công nghệ thì việc sửa đổi, bổ sung Luật GD là tất yếu. Với vai trò là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, với các nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi về hệ thống GD quốc dân, GD phổ thông, GD thường xuyên, một số chính sách đối với nhà trường, nhà giáo và người học thì tôi cho rằng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Nếu được Quốc hội cho ý kiến, thông qua sẽ tạo bước đột phá cho GD nước nhà phát triển, tháo gỡ được một số "điểm nghẽn", "cản trở" hiện nay trong GD, làm tiền đề cho sự phát triển GD trong tương lai.

- Luật luôn phải đồng hành với cuộc sống nhưng đồng thời cũng phải đi trước, dự báo các vấn đề có thể nảy sinh trong thực tiễn để đề xuất các chính sách dọn đường, tạo hành lang pháp lý để giải quyết kịp thời các bất cập nảy sinh. Theo GS, những nội dung sửa đổi, bổ sung nào trong Dự thảo Luật GD sửa đổi đã chạm đến những vấn đề cốt yếu nhất hiện nay của GD và sẽ mở đường cho GD phát triển trong nhiều năm tới đây?

Trước hết, tôi đánh giá cao việc Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định về hệ thống GD quốc dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết kế hệ thống GD quốc dân theo hướng mở, liên thông; quy định chuẩn đầu ra của cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia và tiếp cận khung năng lực quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác GD hướng nghiệp và phân luồng HS; đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Luật GD hiện hành mới chỉ liệt kê các cấp học của hệ thống GD quốc dân, chưa thể hiện cơ chế vận hành, liên kết giữa các bậc học của hệ thống GD quốc dân.

Tính chất mở, liên thông được đề cập rất rõ trong Dự thảo Luật, giúp mở rộng cơ hội học tập suốt đời trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào; chú trọng việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Việc học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong nhà trường chính quy mà còn được thực hiện tại các cơ sở GDTX, các thiết chế văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng… Hình thức học cũng đa dạng, phong phú.

Sau một thời gian dài, chúng ta mới đề cập đến quản lí nhà trường thì Dự thảo Luật đã tiến xa một bước trong việc bổ sung quy định về quản trị nhà trường. Đây là sự thay đổi cần thiết để hướng tới các mô hình quản trị cơ sở GD theo xu hướng trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình nhiều hơn cho các cơ sở GD, nhất là đối với các cơ sở GD ĐH.

Nâng quy định của Nghị quyết 88 thành các quy định của Luật

- Ngành GD đang trong giai đoạn chuẩn bị tích cực cho đổi mới GD phổ thông. Lần đổi mới này đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, SGK GD phổ thông. Bám sát đòi hỏi từ thực tế, Dự thảo Luật GD đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nội dung này. GS nhận xét như thế nào về những thay đổi đó?

Dự thảo Luật đã pháp điển hóa, luật hóa các quy định của các văn bản hiện hành thành các quy định của Luật, đặc biệt nâng các quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông thành các quy định của Luật.

Sửa đổi mục tiêu của GD phổ thông trong Dự thảo Luật đã tập trung vào việc phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho HS. Nâng cao chất lượng GD toàn diện, chú trọng GD lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời; tạo sự tương thích của chương trình GD Việt Nam với sự thay đổi của chương trình GD tiên tiến như tại một số quốc gia có nền GD trên thế giới.

Chương trình GD phổ thông đã thể hiện mục tiêu GD phổ thông; quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của HS cần đạt được sau mỗi cấp học, những nội dung GD bắt buộc đối với tất cả HS trên phạm vi cả nước; phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động GD và đánh giá kết quả GD đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của GD phổ thông. Chương trình GD phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở GD. Chương trình GD phổ thông phải được tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GD; ban hành Chương trình GD để sử dụng thống nhất trên cả nước. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GD gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý GD, nhà khoa học, có kinh nghiệm, uy tín về GD và đại diện các tổ chức có liên quan.

Chính sách lương nhà giáo: Giải pháp căn cơ

- Trong quá trình soạn thảo, để phù hợp với điều kiện cụ thể nhiều nội dung ban đầu có trong Dự thảo nhưng sau đó được đưa ra để thực hiện theo các văn bản khác, cụ thể như chính sách lương nhà giáo. Cá nhân ông cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối khi chính sách lương cho nhà giáo không còn trong Dự thảo Luật. GS đánh giá tầm quan trọng của chính sách này như thế nào và hy vọng gì trong tương lai với chính sách này?

Tôi theo dõi sát việc xây dựng Luật GD, khi trình Chính phủ, tôi thấy rất mừng khi Bộ đã đưa vào Luật một điều khẳng định về lương của nhà giáo "được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp" nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương. Chủ trương đãi ngộ tiền lương đối với nhà giáo đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII năm 1996 và tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 29. Như vậy, hơn 20 năm nay Đảng đã có Nghị quyết, nhưng vẫn chưa được Luật hóa quy định này.

Tôi rất đồng tình và ủng hộ phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) vừa rồi khi thảo luận cho ý kiến về "Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp". Nhằm thực hiện quan điểm "Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển GD&ĐT là "quốc sách hàng đầu", cần thực hiện chính sách lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc.

Đây là giải pháp căn cơ, góp phần tôn vinh đội ngũ nhà giáo - lực lượng nòng cốt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, để có thể đáp ứng các yêu cầu chung của công việc, đồng thời giáo viên cần được động viên để gắn bó, tâm huyết với nghề, phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong quá trình dạy học.

Xin cảm ơn ông!