Đây là cách hiểu chưa đúng về đánh giá
theo chuẩn nghề nghiệp GV theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT
ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp GV cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) nêu rõ:
Mục đích quan trọng nhất của chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông là để phát triển
năng lực nghề nghiệp của GV trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phẩm chất, năng
lực từng thầy cô. Cần biết mỗi người đang ở đâu trong bản đồ năng lực chuẩn
nghề nghiệp để tìm đúng cách bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp,
đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Một trong
các yêu cầu về đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp GV là phải căn cứ vào mức của
từng tiêu chí đạt được và có minh chứng phù hợp.
Hướng dẫn đánh giá theo chuẩn
nghề nghiệp GV được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2019; tiếp theo, các sở
GD&ĐT đã tổ chức hướng dẫn GV đánh giá theo chuẩn. Công văn số
4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT nêu rõ:
Việc tập hợp minh chứng để phục vụ đánh giá cần chủ động thực hiện từ đầu năm
học.
Quá trình tập hợp minh chứng
nói chung, minh chứng của từng tiêu chí cụ thể cũng được hướng dẫn, gợi ý tại
các phụ lục trong Công văn 4530. Minh chứng cho mọi tiêu chí luôn sẵn có trong
quá trình làm việc của GV và cần được lưu lại thường xuyên chứ không phải đi
tìm mỗi khi đánh giá. Đánh giá GV mang tính đối phó sẽ không thể giúp phát
triển năng lực nghề nghiệp theo đúng nghĩa.
Cũng theo Công văn 4530, cần
đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, kiểm tra, tổng hợp
kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông. Thực hiện chủ trương này,
Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên
GV, cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở GDPT theo mô hình bồi dưỡng mới. Theo đó, thầy
cô chủ động học tập, tự bồi dưỡng để triển khai chương trình mới thường xuyên,
liên tục, tại chỗ. GV được hỗ trợ bởi hệ thống LMS và hỗ trợ qua mạng kết hợp
trực tiếp của đội ngũ GV cốt cán và đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt từ các
trường ĐH sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, việc thực hiện hệ
thống quản lý thông tin bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở GDPT (TEMIS) cũng được triển
khai.
Quản lý thông tin trên hệ
thống TEMIS có mục đích chính là để các cơ quan quản lý các cấp đánh giá đúng
thực trạng năng lực đội ngũ của mỗi GV, ở từng trường/ địa phương/ toàn ngành
theo chuẩn nghề nghiệp để có chủ trương, biện pháp phát triển năng lực nghề
nghiệp phù hợp. Việc đánh giá GV theo chuẩn nghề nghiệp dựa trên các minh chứng
để bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch được thực hiện từ năm học 2019
- 2020. Phần mềm TEMIS đã hoàn thiện, GV, cơ sở GDPT ghi kết quả đánh giá GV
cùng các minh chứng đã có đưa lên hệ thống, chứ không phải là hoạt động đánh
giá mới, không phải “nhao nhác tìm minh chứng”.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT chỉ
yêu cầu ghi lại kết quả được đánh giá trước đó, kèm các minh chứng theo quy
định mà chưa yêu cầu đánh giá, bổ sung minh chứng mới. Nếu GV nào chưa có minh
chứng trong năm học này có nghĩa là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của ngành về
thực hiện đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp GV. Bên cạnh đó, đánh giá đúng năng
lực bản thân sẽ giúp GV chọn mô-đun học tập phù hợp.
Hiện cả nước có gần 500 nghìn
GV phổ thông, CBQL cơ sở GDPT hoàn thành ghi lại kết quả đánh giá theo chuẩn
trên hệ thống CNTT trực tuyến. Do đó, phản ánh của một số GV về khó khăn trong
tải minh chứng lên hệ thống cần được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của các cấp
quản lý trực tiếp tại địa phương.
Có thể nói, đánh giá trực
tuyến là xu hướng hiện nay để bảo đảm tính liên tục, cơ sở dữ liệu toàn diện
trong quản lý thông tin về bồi dưỡng thường xuyên của các địa phương và toàn
quốc. GV cần liên hệ với các cơ quan quản lý giáo dục để được hướng dẫn về đánh
giá theo chuẩn nghề nghiệp GV chính xác, kịp thời.
Theo
GD&TĐ