Cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tại Hội nghị APEC tại Đà Nẵng rằng “Việt Nam hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên đổi mới sáng tạo”. Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó, khi từ trước đến nay, các doanh nghiệp không có “truyền thống” quan tâm đến công nghệ, còn các nghiên cứu của viện, trường vẫn còn một khoảng cách rất xa so với đích đến ứng dụng?

Các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập1 và doanh nghiệp là hai chủ thể đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Một bên là chủ thể tạo ra tri thức và công nghệ rồi sau đó phổ biến, chuyển giao và một bên là nơi tiếp nhận các tri thức và công nghệ để tạo ra sản phẩm, quy trình và dịch vụ mới theo nhu cầu của khách hàng. Để thúc đẩy sự sáng tạo tri thức trong các tổ chức KH&CN và đẩy nhanh ứng dụng nó trong các ngành công nghiệp, hai chủ thể này phải liên kết và hợp tác với nhau. Sự liên kết, hợp tác này được thực hiện dưới nhiều hình thức: đối tác nghiên cứu (cùng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu), cung cấp các dịch vụ nghiên cứu (tư vấn kỹ thuật, đo lường, kiểm định chất lượng, phát triển sản phẩm mẫu,…), chia sẻ cơ sở hạ tầng (phòng thí nghiệm, trung tâm ươm tạo, công viên công nghệ…), đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực (đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp, triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, cử cán bộ từ tổ chức KH&CN sang làm biệt phái tại các doanh nghiệp…), thương mại hóa các kết quả R&D (chuyển giao kết quả nghiên cứu từ tổ chức KH&CN cho doanh nghiệp, cấp phép công nghệ…), hình thành các mối quan hệ xã hội (hội nghị, hội thảo…).

Ở các quốc gia đã chuyển đổi thành công từ nước đang phát triển thành nước có nền công nghiệp hiện đại (ví dụ như Hàn Quốc, Đài Loan), các tổ chức KH&CN công lập thường liên kết và hợp tác chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp vì trong quá trình đổi mới sản phẩm, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các thông tin sáng chế, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm để thực thi các ý tưởng đổi mới sản phẩm/dịch vụ. Đồng thời, chính bản thân các đối tượng trên cũng thường xuyên hướng vào phục vụ các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển. Như vậy, các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được gắn kết với nhu cầu sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và thông qua doanh nghiệp.

Tại sao không gặp nhau?

Theo Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (The Global Competitiveness Report - GCR) năm 2016-2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 79 trong số 138 quốc gia về sự hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và doanh nghiệp, yếu hơn Indonesia (28), Thái Lan (41) và Philipine (61). Riêng về chất lượng nghiên cứu Việt Nam xếp thứ 98 trong số 138 quốc gia về chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học, yếu hơn so với Indonesia (41), Thái Lan (56) và Philipine (72). Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nghiên cứu còn yếu vì những nguyên nhân sau:

1. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nhìn chung có ít động lực và kinh nghiệm để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Họ thường ưu tiên đầu tư vào những hoạt động thu hồi vốn nhanh và mang lại lợi nhuận trước mắt, vì đầu tư vào đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có thời gian và tính rủi ro cao. Theo kết quả điều tra năm 2013 về  “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam”2, chỉ có 8% trong số 8010 doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, cải tiến công nghệ và trên 90% doanh nghiệp chưa có chiến lược cải tiến công nghệ.

2. So với nguồn lực (kinh phí dành cho nghiên cứu và số lượng cán bộ nghiên cứu) số lượng các tổ chức KH&CN của Việt Nam khá lớn, do đó các tổ chức KH&CN có quy mô nhỏ và manh mún, hệ quả là rất ít tổ chức KH&CN có được năng lực tới hạn cần thiết để tạo ra các kết quả nghiên cứu có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ khu vực doanh nghiệp. Các trường đại học tập trung nhiều vào công tác giảng dạy và đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn và chủ yếu là  nghiên cứu cơ bản.

3. Mô hình quản trị của các tổ chức KH&CN nhìn chung mang tính hành chính và bao cấp, thiếu các hệ thống quản lý chuyên nghiệp như: hệ thống quản lý tài chính, quản lý hợp đồng, quản lý nguồn nhân lực, quản lý cơ sở vật chất và quản lý chất lượng. Kinh phí hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập chủ yếu là từ nguồn ngân sách, các nhiệm vụ nghiên cứu thường là từ đặt hàng của nhà nước, một số tổ chức KH&CN đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp và một số đang có những tiến bộ đáng kể về khía cạnh này. Tuy nhiên đa phần các tổ chức KH&CN thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và nguồn lực để xây dựng và duy trì các mối quan hệ quan trọng này.

4. Thiếu chính sách và chương trình hành động cụ thể khuyến khích sự liên kết, hợp tác giữa tổ chức KH&CN công lập với khu vực doanh nghiệp. Mặc dù chính phủ đã xây dựng các cơ sở hạ tầng và các tổ chức trung gian cần thiết như các văn phòng chuyển giao công nghệ, các khu công nghệ cao và các vườn ươm doanh nghiệp để khuyến khích sự hợp tác giữa tổ chức KH&CN công lập với khu vực doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn thiếu chính sách, cơ chế kích thích sự hợp tác theo các hình thức như cùng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chia sẻ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác và tiến hành các hoạt động đổi mới và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự hợp tác. Gần đây, có một số sáng kiến tài trợ cho các nhóm liên kết, hợp tác nghiên cứu giữa tổ chức KH&CN và khu vực doanh nghiệp như: Dự án FIRST3, Dự án IPP4,  nhưng kinh phí của các dự án này chủ yếu là từ Chính phủ Phần Lan và Ngân hàng Thế giới và chỉ mang tính chất thử nghiệm.

Doanh nghiệp, viện, trường đều cần đổi mới

Để khắc phục những tồn tại nêu trên nhằm đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa tổ chức KH&CN công lập với doanh nghiệp xin kiến nghị các giải pháp sau:

1. Chính phủ tạo động lực thông qua việc khuyến khích sự cạnh tranh và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính cho các doanh nghiệp chú trọng vào đổi mới sáng tạo. Cần đặt các doanh nghiệp theo đuổi việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả R&D của các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu nhà nước vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Các doanh nghiệp phải nhận thức được việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là vấn đề cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu các doanh nghiệp chú trọng vào đổi mới sáng tạo, họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào hoạt động này, từ đó thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho KH&CN.

2. Cấu trúc lại hệ thống tổ chức KH&CN công lập, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học và tập trung đầu tư để các tổ chức KH&CN đạt được năng lực tới hạn lớn hơn và tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị phục vụ cho khu vực doanh nghiệp. Việc cấp kinh phí cho các tổ chức KH&CN nên gắn với kết quả thực hiện. Nếu một tổ chức không có đủ năng lực KH&CN cần thiết, họ không thể giành được các đề tài, dự án do đó không thể tồn tại lâu dài, như vậy là tạo động lực mạnh mẽ đối với các tổ chức nghiên cứu để họ liên tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

3. Các tổ chức KH&CN cần đổi mới mô hình quản trị. Ngày nay, mô hình quản trị và quản lý của các tổ chức nghiên cứu ngày càng giống với các mô hình thường thấy trong khu vực doanh nghiệp, với trọng tâm là tạo ra giá trị, tăng doanh thu5 và quản lý chi phí hơn là một đơn vị hành chính bao cấp. Họ phải xác định rõ sứ mạng và đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu của mình để có chiến lược phát triển tổ chức mình bền vững, phải chủ động tìm nguồn kinh phí cho các đề tài, dự án từ các chương trình tài trợ cạnh tranh và dành được các hợp đồng nghiên cứu từ khu vực doanh nghiệp để bổ sung vào nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách. Việc áp dụng mô hình kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho các lãnh đạo tổ chức KH&CN tăng quyền tự chủ và quyền quyết định đồng thời cũng đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của tổ chức mình.

4. Ban hành cơ chế, chính sách, khởi động chương trình tài trợ khuyến khích sự liên kết, hợp tác giữa tổ chức KH&CN công lập với doanh nghiệp (có thể rút kinh nghiệm từ các dự án IPP, FIRST...). Chương trình nên mang tính định hướng thị trường - tập trung tạo giá trị kinh tế cho khu vực doanh nghiệp. Chương trình cần được thiết kế căn cứ vào nhu cầu và các lĩnh vực ưu tiên của khu vực doanh nghiệp. Để xác định được những nhu cầu này cần có sự đối thoại nghiêm túc giữa khu vực doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN, vì khu vực doanh nghiệp thường không nắm bắt được tính khả thi về mặt kỹ thuật còn tổ chức KH&CN thì thường không hiểu công việc kinh doanh cũng như các yêu cầu phi kỹ thuật để thực hiện thành công. Sự đối thoại này được thể hiện qua nhiều lần tương tác giữa khu vực doanh nghiệp và tổ chức KH&CN, từ đó sẽ hình thành sự tin tưởng và hiểu biết về các cơ hội hợp tác giữa họ. Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN cùng nhau phát triển các năng lực R&D  phục vụ cho các khách hàng hiện tại và tương lai và hình thành các ngành kinh tế mới.

Nguyễn Thị Thu Oanh,

Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST

 

*   *    *

1 Các tổ chức KH&CN công lập bao gồm các viện nghiên cứu và trường đại học.

2 Báo cáo tóm tắt thông tin từ cuộc Điều tra về Năng lực cạnh tranh và Công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kế và Nhóm Nghiên cứu Kinh tế phát triển thuộc Trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch phối hợp thực hiện năm 2013.

3 Thông tin chi tiết về dự án tại đường link sau: http://ipp.vn/

4 Thông tin chi tiết về dự án tại đường link sau: http://first-most.vn/

5 Doanh thu của các tổ chức KH&CN là nguồn kinh phí có được từ các đề tài, dự án được tài trợ thông qua các chương trình, quỹ tài trợ ở trong nước và quốc tế, từ các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp.