Tóm tắt
Việc gia nhập cộng đồng ASEAN mở
ra cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển về nhiều mặt, trong đó có giáo dục và
đào tạo, nhất là ở bậc đại học.
Những năm gần đây, việc kiểm định
chất lượng các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học và mới đây là kiểm
định cấp cơ sở đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA đã được Bộ Giáo dục và Đào
tạo cũng như hầu hết các trường đại học trong cả nước quan tâm.
Bài viết trước tiên (1) trình bày
bối cảnh hội nhập và chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc áp dụng
Bộ tiêu chuẩn AUN-QA trong công tác kiểm định và cải tiến, nâng cao chất lượng
giáo dục đào tạo đại học;
Tiếp theo (2) phân tích và dẫn
chứng các trường hợp tiêu biểu tiên phong trong việc đánh giá chất lượng đào
tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN- QA;
Kế đến (3) tổng hợp các cơ hội
phát triển cho các trường đại học Việt Nam cũng như giáo dục đại học Việt Nam
bước vào hội nhập theo chuẩn chung này, kể cả các công cụ và khung chuẩn, các
hoạt động chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm;
Sau cùng (4) đưa ra một số kiến
nghị đề xuất cụ thể cho việc tiếp tục phát triển bền vững trong giáo dục đại
học Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội và từng bước điều chỉnh chính sách và
hoạt động theo yêu cầu của AUN một cách hài hòa và phù hợp.
Dẫn nhập
Việc hội nhập khu vực ASEAN tạo cơ
hội cho việc chia sẻ và hợp tác cùng phát triển, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ
Chí Minh là một trong ba trường đại học trong cả nước là thành viên chính thức
của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network hay AUN)
có điều kiện tiếp cận các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và các tài liệu, cơ
hội hợp tác học hỏi với các trường đại học hàng đầu trong khu vực từ sớm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là ý
thức và quyết tâm cũng như từng bước học hỏi và áp dụng các chuẩn chất lượng
trong việc đổi mới giáo dục đại học một cách liên tục, toàn diện và hệ thống để
các lãnh đạo giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp sự phát triển của
các nước trong khu vực, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực.
Do đó, cần có lộ trình từng bước
đổi mới liên tục một cách nhất quán và đồng bộ, từ đầu đến quá trình và đầu ra
trong giáo dục đại học.
1. Bối cảnh hội nhập và chủ
trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hội nhập khu vực ASEAN
Mạng lưới các trường đại học Đông
Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục
ASEAN, hiện có 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước (trong đó
có 2 Đại học Quốc gia và Đại học Cần Thơ của Việt Nam).
Hệ thống đảm bảo chất lượng các
trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA- ASEAN University Network Quality Assurance)
được thành lập vào năm 1998 và đã ban hành nhiều tài liệu quan trọng liên quan
đến các hướng dẫn về đảm bảo chất lượng từ năm 2004 đến nay, đặc biệt là Tài
liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn
AUN-QA (phiên bản 3.0) vào năm 2015 với 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí (trước đây
là 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí vào năm 2011 và 18 tiêu chuẩn với 72 tiêu chí
vào năm 2004) thuộc các nhóm yếu tố đầu vào (input), quá trình (process), đầu
ra (output) nhằm liên tục cải tiến, nâng cao dần chất lượng đào tạo).
Trong lúc giáo dục đại học Việt
Nam còn đang loay hoay tìm kiếm, xây dựng và hoàn thiện một mô hình và bộ tiêu
chuẩn phù hợp để đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo cũng như chương trình đào
tạo ở bậc đại học-cao đẳng, một số trường đại học hàng đầu của Đông Nam Á đã
phối hợp với các chuyên gia của châu Âu cho ra đời các tài liệu phù hợp nhằm hỗ
trợ các trường đại học trong khu vực nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhìn chung, các trường đại học
thành viên AUN của Việt Nam, trong đó có Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh, đã nhanh chóng tiếp cận Bộ tiêu chuẩn này từ khoảng sau năm 2005 đến nay
với những mục tiêu, định hướng, ý nghĩa và kết quả cơ bản sau đây:
(1) Sử dụng mô hình đảm bảo chất
lượng theo AUN-QA và đánh giá các chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn này
nhằm giúp các trường đại học Việt Nam có cơ sở khoa học để nâng cao chất lượng
các chương trình học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ
tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và
(2) Xác định Bộ tiêu chuẩn AUN-QA
được xem là khá phù hợp cho việc đánh giá các chương trình đào tạo của các
trường đại học Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giữ uy tín và thương
hiệu cho các ngành học.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào
tạo đã mạnh dạn xin phép AUN và chủ trương kiểm định chất lượng giáo dục
đại học theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA cấp chương trình đào tạo, cấp cơ sở đào tạo
và triển khai áp dụng bắt đầu từ năm 2017 dưới sự cho phép và đồng ý của Hội
đồng Tín thác Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN Board of Trustees), với
nhiều văn bản mới được ban hành; từ đó có cơ sở đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại
học.
Việc đạt chuẩn AUN-QA của các
chương trình đào tạo Việt Nam là bước đầu tạo điều kiện để các trường đại học
Việt Nam tiến dần đến sự liên thông và được công nhận trong lĩnh vực học thuật
trong khu vực;
Sinh viên Việt Nam được hưởng lợi
khi di chuyển giữa các trường đại học trong khối ASEAN;
Đồng thời từ đó xây dựng được
thương hiệu trường đại học, góp phần thu hút sinh viên từ các trường đại học
khác trong khu vực.
Việc đạt chuẩn AUN-QA của các
chương trình đào tạo Việt Nam cũng thể hiện rõ trách nhiệm giải trình của các
trường đại học trước xã hội về chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội và
yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng được kỳ vọng của Nhà nước, Chính phủ
trong việc đầu tư lớn cho 2 Đại học Quốc gia của Việt Nam.
Việc áp dụng và đạt chuẩn AUN-QA
của các chương trình đào tạo Việt Nam cũng góp phần thu hút mạnh mẽ đầu tư của
các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu,... trong và ngoài nước, đóng
góp cho sự phát triển của trường về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học,
chuyển giao công nghệ và phục vụ xã hội.
Đây cũng là Bộ tiêu chuẩn kiểm
định chất lượng uy tín trong khu vực và có xu hướng tiến dần đến việc được công
nhận ở các khu vực khác như Thái Bình Dương và châu Âu, được giới học thuật và
doanh nghiệp biết đến.
Ngoài việc giúp hội nhập hiệu quả
trong lĩnh vực đào tạo đại học, tiếp cận chuẩn AUN-QA còn giúp đẩy mạnh liên
kết, hợp tác với những trường đại học có uy tín trong khu vực thông qua các
chương trình trao đổi, giao lưu, hợp tác về học thuật, nghiên cứu, đào tạo,
phục vụ cộng đồng,... góp phần đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa giáo dục đại học
ở Việt Nam một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
2. Việc tiên phong tham gia
đánh giá chất lượng đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA
Từ khi đăng ký kiểm định theo Bộ
tiêu chuẩn AUN-QA cấp chương trình đào tạo của Mạng lưới các trường đại học
Đông Nam Á vào cuối năm 2009 đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh đã đăng ký và đạt chuẩn khu vực 30 chương trình đào tạo bậc đại học.
Nhiều trường đã và đang (1) triển
khai tự đánh giá tất cả chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA;
(2) Định kỳ hàng năm có từ 1-2 chương
trình đào tạo tham gia kiểm định chính thức bởi AUN;
(3) Gần đây, các trường đại học
thành viên của 2 Đại học Quốc gia bắt đầu có những chương trình đào tạo sau đại
học được đăng ký đánh giá, kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA bởi các trung
tâm kiểm định trong nước hoặc bởi tổ chức AUN;
Và (4) “văn hóa chất lượng” dần
dần được thể hiện rõ hơn ở nhiều khoa; các đơn vị ý thức hơn về yêu cầu chất
lượng, dù chưa có điều kiện tham gia đánh giá ngoài chương trình đào tạo nhưng
bắt đầu có lộ trình cải tiến dần chương trình đào tạo từ việc rà soát các đề
cương môn học, thực hiện cải tiến dựa trên các kết quả khảo sát ý kiến các bên
liên quan, tham gia các đợt tập huấn về xây dựng, đánh giá chương trình đào
tạo, xây dựng các danh mục minh chứng theo AUN-QA,...
Trong giai đoạn 2007-2016, Mạng
lưới các trường đại học Đông Nam Á có tổng cộng 174 chương trình đào tạo được
đánh giá và đạt chuẩn AUN, trong đó Việt Nam có số chương trình đạt chuẩn AUN
đứng ở vị trí thứ 2, với 49 chương trình được kiểm định và đạt chuẩn AUN.
Ngoài ra, Bộ tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng cấp cơ sở đào tạo (phiên bản 2.0) của AUN đã ra đời vào năm 2016 với
25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí được chia thành 4 nhóm:
(1) Đảm bảo chất lượng về mặt
chiến lược, (2) Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống;
(3) Đảm bảo chất lượng về mặt thực
hiện chức năng, (4) Kết quả thực hiện.
Một số trường đại học trong khu
vực đã đăng ký đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn cấp cơ sở đào tạo này lần đầu tiên,
trong đó có 2 trường đại học của Việt Nam là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên,
Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố
Hồ Chí Minh, đã được kiểm định và đạt chuẩn AUN cấp cơ sở đào tạo trong năm
2017.
Hy vọng những bài học từ các kết
quả kiểm định chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA ở các trường đại
học Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực đổi mới và hội nhập sẽ góp phần làm đòn
bẩy để đưa giáo dục đại học Việt Nam đi lên ngang tầm khu vực với mục tiêu
“liên tục cải tiến” (continuous improvement) như Theo tinh thần của AUN.
Việc này góp phần đạt được những
đột phá trong “đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục-đào tạo” theo tinh thần
của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8.
3. Cơ hội phát triển cho các
trường đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập
Khi áp dụng theo chuẩn đánh giá
chất lượng cấp chương trình và cấp cơ sở đào tạo chung, kể cả các công cụ và
khung chuẩn, thì sẽ diễn ra các hoạt động chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm
của các trường trong khu vực, cụ thể như sau:
3.1. Các yêu cầu trong các tiêu
chuẩn chất lượng cho biết yêu cầu tối thiểu mà các trường cần phần đấu để đạt
được.
Các yêu cầu này đã được các chuyên
gia hàng đầu của các trường đại học lớn có uy tín trong ASEAN như Singapore,
Thái Lan, Malaysia, Philippines tham khảo các mô hình và yêu cầu chất lượng của
các khu vực khác trên thế giới như Châu Âu và Bắc Mỹ.
3.2. Nhiều đợt đánh giá và tập
huấn về quản lý chất lượng giáo dục đại học ở các nước ASEAN bao gồm cả Việt
Nam trong những năm gần đây có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Úc,
thậm chí các chuyên gia Hoa Kỳ, Hội đồng Anh và Hồng Kong khi sang tập huấn về
giáo dục đại học cho Việt Nam đều có tham chiếu Bộ tiêu chuẩn AUN-QA để phân
tích làm sáng tỏ thêm các vấn đề chất lượng ở ASEAN hoặc đối chiếu với các
chuẩn trong khu vực.
Ngoài ra, các lãnh đạo giáo dục
đại học Việt Nam còn có cơ hội gia nhập Mạng lưới chất lượng Châu Á-Thái Bình
Dương (APQN) và Mạng lưới chất lượng giáo dục đại học quốc tế (INQAHEE),... mà
trong đó AUN cũng có vai trò quan trọng.
3.3. Khi tham gia đánh giá kiểm
định các chương trình đào tạo hoặc các đợt tập huấn trong khu vực, chúng ta
cũng được chia sẻ các bài học kinh nghiệm hay (best practices) của các trường
đại học, các ngành học tiên tiến trong khu vực, vì Bộ tiêu chuẩn đánh giá theo
AUN-QA còn có mức 5-6 trên thang điểm 7 cho biết các hoạt động được đánh giá là
“having best practices”.
Một số chuyên gia, đánh giá viên
AUN của Việt Nam đã bắt đầu được tham gia vào các Đoàn đánh giá AUN đi đánh giá
các trường trong khu vực, từ đó có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm với các trường
đại học trong nước.
3.4. Các chuẩn và mô hình chất
lượng theo AUN-QA đòi hỏi các hoạt động phát triển đồng bộ theo quy trình PDCA
(Plan-Do-Check-Act) liên tục ở mọi giai đoạn nhằm phòng ngừa sai sót ở đầu ra ở
mức tối đa, đồng thời xây dựng văn hóa chất lượng một cách đồng bộ, tránh các
tình trạng đối phó và hình thức như:
(1) Làm việc một cách tự phát
thiếu kế hoạch, xây dựng kế hoạch thiếu mục tiêu, cơ sở và tầm nhìn; (2) xây
dựng “kế hoạch treo”;
(3) Thực hiện đối phó cho xong
không rõ hiệu quả mức tác động ra sao vì thiếu đánh giá hoặc (4) đánh giá xong
nhưng không hề sử dụng kết quả đánh giá để cải tiến liên tục, rút kinh nghiệm
cho các giai đoạn sau và đặc biệt là (5) thiếu chia sẻ kinh nghiệm qua quá
trình đánh giá và cải tiến làm nền tảng cho việc tập hợp các khó khăn rủi ro
cũng như kinh nghiệm giải quyết cho hoạt động quản lý rủi ro.
3.5. Việc đánh giá chương trình
đào tạo nhấn mạnh các yếu tố và yêu cầu như (1) kết quả học tập dự kiến được
xây dựng một cách khoa học và nhất quán;
(2) Kỹ năng chuyển đổi
(transferable skills) và học tập suốt đời; (3) triết lý giáo dục toàn diện và
lấy người học làm trung tâm;
(4) Xây dựng các tiêu chí đánh giá
nhằm đo lường được chuẩn đầu ra/kết quả đầu ra mong đợi một cách khoa học có độ
giá trị và tin cậy cao;
(5) Hệ thống giám sát tiến độ của
người học từ đầu vào đến đầu ra và (6) quy trình hoạt động đảm bảo chất lượng
bên trong hiệu quả hỗ trợ cho việc cải tiến liên tục trên cơ sở ý kiến các bên
liên quan.
Các yêu cầu và khái niệm trên có
khi chưa hề xuất hiện trong giáo dục đại học Việt Nam một thập niên trước đây.
Việc nhận ra những điểm yếu hạn
chế giúp cho các trường đại học Việt Nam từng bước hoàn thiện từ năng lực đội
ngũ đến hệ thống chính sách và sự đầu tư hiệu quả.
3.6. Các trường đại học Việt Nam
có điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu khi làm việc với các chuyên gia
từ các trường đại học ASEAN, tạo điều kiện học tập cho cả đội ngũ cán bộ giảng
viên và sinh viên, học viên,...
3.7. Các trường đại học Việt Nam
từng bước học hỏi các biện pháp cụ thể để triển khai phương thức dạy và học
tích cực, lấy người học làm trung tâm, động cơ để nâng cao năng lực hội nhập và
kỹ năng mềm cho sinh viên như cải tiến hoạt động dạy và học tiếng Anh, lồng
ghép kỹ năng mềm, giao tiếp, văn hóa,... và nối kết doanh nghiệp, cộng đồng tốt
hơn.
3.8. Nâng cao năng lực cho 2 nhóm
đối tượng (1) lãnh đạo quản lý giáo dục đại học (năng lực ra quyết định, quản
lý chương trình, quản lý chất lượng nhân sự, dự án, hợp tác,...) và (2) giảng
viên (giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tư vấn sinh viên, ứng dụng công nghệ thông
tin và truyền thông trong dạy học,...) để đáp ứng chuẩn khu vực.
3.9. Sau cùng, Bộ tiêu chuẩn này
quan tâm cả đến sứ mệnh quan trọng thứ ba của trường đại học là phục vụ cộng
đồng (community outreach/service) vốn trước đây chưa được chú ý nhiều ở Việt
Nam hoặc chưa được triển khai một cách bài bản.
Để thành trường đại học định hướng
nghiên cứu cũng cần phải lưu ý gắn liền hoạt động nghiên cứu với nhu cầu xã
hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Việc hội nhập về chuẩn đào tạo,
nghiên cứu và phục vụ cộng đồng mở ra nhiều hướng phát triển, đổi mới cho nhà
trường đại học Việt Nam.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
cho việc phát triển bền vững giáo dục đại học Việt Nam
Các trường đại học Việt Nam cần
nắm bắt cơ hội và từng bước điều chỉnh chính sách và hoạt động theo yêu cầu của
AUN một cách hài hòa và phù hợp.
Bài học kinh nghiệm cho việc xây
dựng phương hướng phát triển là nhà trường cần có các biện pháp, giải pháp đồng
bộ hơn trong toàn trường, cụ thể như sau:
(1) Quan tâm đầu tư thêm nhân lực,
vật lực và tài lực cho các hoạt động đảm bảo chất lượng, phát triển hệ thống
thông tin dữ liệu tốt, hiện đại và hiệu quả phục vụ hoạt động ra quyết định cải
tiến đúng đắn, khách quan và phù hợp;
(2) Động viên cán bộ lãnh đạo,
giảng viên, nhân viên cùng vượt qua những khó khăn, tạo môi trường phát triển
chuyên môn/học thuật, môi trường quan hệ đồng nghiệp thân thiện biết chia sẻ để
phát huy tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên trong công tác đổi
mới phát triển để hội nhập, cần thường xuyên học hỏi nâng cao năng lực quản lý
chất lượng và làm việc theo quy trình PDCA;
(3) Nhà trường cùng các khoa/bộ
môn cần xây dựng lộ trình tự đánh giá theo AUN-QA và thực hiện từng kế hoạch
cải tiến trước và sau khi đánh giá, thực hiện chu kỳ đảm bảo chất lượng liên
tục;
Và (4) mở rộng các quan hệ hợp tác
trong khu vực về đảm bảo và nâng cao chất lượng, giao lưu trao đổi học hỏi,...
Về hoạt động đào tạo, các lãnh đạo
khoa/bộ môn và các cán bộ quản lý chuyên môn đào tạo, thành viên Hội đồng Khoa
học và đào tạo/Nhóm chuyên trách chương trình đào tạo và giảng viên cần phải
thường xuyên trau dồi hiểu biết, kinh nghiệm của các nước trong khu vực về xây
dựng và phát triển chương trình đào tạo, đề cương môn học, hoạt động giảng dạy
và kiểm tra đánh giá, các tiêu chuẩn kiểm định đánh giá chương trình đào tạo
trong khu vực ASEAN và từng bước các khu vực khác,... chủ động tích cực thường
xuyên tham gia hoàn thiện, cải tiến/đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng giáo
dục đào tạo.
Lãnh đạo cần tuyên truyền sao cho
giảng viên ý thức tự nguyện tiếp thu các góp ý của đoàn đánh giá ngoài để nâng
cao chất lượng giảng dạy, kiểm tra đánh giá và phục vụ sinh viên hiệu quả hơn
theo tinh thần lấy người học làm trung tâm.
Đơn vị phải chủ động khuyến khích
sinh viên tham gia đóng góp ý kiến, dựa trên góp ý phản hồi của sinh viên và
kết quả đánh giá ngoài, định kỳ rà soát, cập nhật và thay đổi chương trình đào
tạo thông qua Hội nghị nhà tuyển dụng/cựu sinh viên và lấy ý kiến chuyên gia để
chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu xã hội/thị trường lao động trong nước
và trong khu vực.
Cần tăng cường các cuộc trao đổi
với đồng nghiệp, tập huấn, tham gia hội thảo, dự giờ giảng, tự học hỏi qua
mạng, đóng góp sáng kiến góp phần vào việc nâng cao chất lượng qua các tương
tác với sinh viên, cựu sinh viên và đồng nghiệp, với phụ huynh, với xã hội bên
ngoài, nhà tuyển dụng, cán bộ các phòng ban, xây dựng thói quen làm việc theo
nhóm, phát triển kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp hiệu quả trong đơn vị của mình
và trong toàn trường, để ngày càng phát triển tốt hơn.
Về hoạt động nghiên cứu và phục vụ
cộng đồng, đội ngũ cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên cần xem hoạt động nghiên
cứu và phục vụ cộng đồng là hoạt động bắt buộc không thể thiếu giống như hoạt
động giảng dạy, là điều kiện để được tiếp tục tuyển dụng lâu dài, để đánh giá
thường xuyên định kỳ, nâng bậc lương cũng như thăng tiến.
Cần xây dựng kế hoạch, hồ sơ
nghiên cứu và phục vụ cộng đồng của từng giảng viên, nghiên cứu viên nâng cao
năng lực giao lưu trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các học giả
trong khu vực qua các bài báo viết chung, hội nghị, hội thảo quốc tế, công
trình nghiên cứu chung, từng bước nắm bắt các chuẩn đạo đức trong nghiên cứu
khoa học, luật sở hữu trí tuệ,...
Các hoạt động phục vụ cộng đồng,
liên kết doanh nghiệp, địa phương cũng là những hoạt động vừa đáp ứng sứ mạng,
mục tiêu của nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay, vừa góp phần đem lại
thương hiệu cho nhà trường và đồng thời giúp sinh viên tham gia để phát triển
nhiều kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, động cơ học tập suốt đời và cơ hội
tiếp xúc với bối cảnh việc làm và hoạt động đóng góp cho xã hội sau khi ra
trường.
Do đó, cần có những chính sách cụ
thể từ phía nhà trường để phát triển các hoạt động này.
Kết luận
Thay đổi là cần thiết và không thể
tránh được vì chương trình đào tạo là sản phẩm mang tính thời đại, cần phải
được cập nhật cho phù hợp với thực tiễn theo yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã
hội, vai trò của giảng viên và người học cũng thay đổi do bối cảnh công nghệ
thông tin bùng nổ phát triển nhanh chóng mạnh mẽ.
Chương trình cần được phát triển
liên tục, toàn diện, và có tính hệ thống.
Nhà trường còn cần phát triển đồng
bộ về hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, đồng thời cũng góp
phần phát triển hoạt động đào tạo và nâng cao thương hiệu của trường.
Việc đánh giá cấp cơ sở và chương
trình đào tạo theo AUN-QA góp phần xây dựng ý thức và thói quen tự đánh giá
liên tục, từng bước xây dựng mục tiêu kế hoạch chất lượng phù hợp và cam kết
hành động theo chất lượng, điều chỉnh liên tục các hoạt động của nhà trường.
Việc hội nhập ASEAN về giáo dục
đại học giúp nâng cao nhận thức là việc đáp ứng các yêu cầu chất lượng hiện nay
mang tính sống còn trong bối cảnh ngày càng nhiều cạnh tranh giữa các trường
đại học.
Đồng thời cũng nhiều cơ hội hợp
tác để phát triển, dần dần hình thành văn hóa chất lượng qua việc nâng cao hiểu
biết về Bộ tiêu chuẩn AUN-QA, có động cơ cải tiến chất lượng hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1. AUN (2015). Guide to AUN-QA
Assessment at Programme Level (version 3.).
Bangkok, Thailand: ASEAN
University Network.
2. AUN (2016). Guide to AUN-QA
Assessment at Institutional Level (version 2.).Bangkok, Thailand: ASEAN
University Network.
3. Betts, M. & Smith, R.
(1998). Developing the Credit-based Modular Curriculum in Higher Education.
Bristol, PA: Falmer Press.
4. Dimmock, C. & Walker, A.
(2005). Educational Leadership - Culture and Diversity. California, CA: SAGE
Publications.
5. Nguyen Duy Mong Ha & Bui
Ngoc Quang (2014). Factors Influencing the Process of Developing Quality
Culture at the University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National
University-Ho Chi Minh City. Asian Journal of Humanities and Social Sciences,
2(4), 1-8.
6. Nguyễn Duy Mộng Hà, Bùi Ngọc
Quang (2015). Thực trạng xây dựng văn hóa chất lượng tại Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Phát
triển Khoa học và Công nghệ, Tập 18, Số X5,132-139.
7. Nguyễn Duy Mộng Hà, Nguyễn Thị
Thi Thu, Bùi Ngọc Quang (2015). Áp dụng Bộ tiêu chuẩn AUN-QA cấp chương trình
đào tạo ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh: thực tiễn và kinh nghiệm. Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp,
Số 20, 106-114.
8. Phạm Thành Nghị (2000). Quản lý
chất lượng giáo dục đại học. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
9. Vroeijenstijn Ton (2008). Sổ
tay áp dụng Bộ tiêu chuẩn chất lượng AUN trong tự đánh giá chương trình đào
tạo. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Vũ Thị Phương Anh (2015). Đối
sánh kết quả đánh giá các chương trình đạt chuẩn AUN của Việt Nam giai đoạn
2009-2013. Tạp chí Phát triển & Hội nhập, 20(30), 81-86.
Nguyễn Duy Mộng Hà - Bùi Ngọc
Quang