Chính sách giáo dục cần truyền cảm hứng và cho phép đổi mới
Trao quyền cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường với sự tin tưởng và tự chủ mà họ cần để đổi mới trong giáo dục. Đó là một trong những đề nghị mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đặt ra trong báo cáo mới nhất sau Khảo sát Quốc tế về dạy và học TALIS tháng 6/2019.
Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của OECD nhận định: "Chất lượng của một hệ thống giáo dục không bao giờ có thể vượt quá chất lượng của các giáo viên".
Vì vậy, theo ông Andreas Schleicher, Chính phủ nên trao quyền cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường với sự tin tưởng và tự chủ mà họ cần để đổi mới và thấm nhuần văn hóa hợp tác trong mỗi trường học. Họ cũng cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và giá trị của việc khuyến khích giáo viên tham gia thiết kế các hoạt động thực tế và chính sách tốt hơn để tạo ra các lớp học phù hợp với tương lai.
Khoảng 260.000 giáo viên và lãnh đạo nhà trường tại 15.000 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông từ 48 quốc gia và nền kinh tế, trong đó có Việt Nam đã lần thứ ba tham gia vào cuộc khảo sát TALIS.
Thông qua ý kiến của giáo viên và lãnh đạo nhà trường, khảo sát này hướng tới mục đích củng cố kiến thức và kỹ năng của đội ngũ giảng dạy cũng như hỗ trợ phát triển tính chuyên nghiệp của họ.
"Để khuyến khích sự phát triển của giáo viên, chính sách giáo dục cần truyền cảm hứng và cho phép đổi mới. Sự thay đổi trong chính sách sẽ cần được xây dựng dựa trên niềm tin: niềm tin vào giáo dục, vào các tổ chức giáo dục, vào trường học và giáo viên, vào học sinh và cộng đồng", ông Andreas Schleicher, chia sẻ.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới trao quyền chủ động cho giáo viên
Tại Việt Nam, sắp tới, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai với kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực cho giáo dục Việt Nam.
Theo ban quản lý dự án hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Trong thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.
Đại diện của Hệ thống Giáo dục Học Mãi cho biết, để đồng hành cùng chương trình mới, việc cần làm của những tổ chức giáo dục bây giờ là chuyển dịch và thay đổi phương pháp giảng dạy, từ dạy kiến thức và kỹ năng sang phát triển năng lực cho học sinh. Đó là bước chuyển đổi rất lớn và giáo viên là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của bước chuyển đổi này. "Giáo viên cần được tin tưởng trao quyền và trách nhiệm trong việc lựa chọn phương pháp sư phạm và xây dựng các bài giảng phù hợp với học sinh", đại diện Học Mãi nhấn mạnh.
Giáo viên chủ động chọn phương pháp sư phạm và xây dựng bài giảng
Tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi, khung chương trình học được xây dựng theo hướng mở và mỗi giáo viên lựa chọn những phương pháp dạy học khác nhau để xây dựng bài giảng phù hợp với từng đối tượng học sinh và các cấp độ học tập, hướng tới việc cá nhân hóa cho nhu cầu học tập học sinh.
Theo đó, thầy Phạm Trọng Hiếu, giáo viên Tiếng Anh, có phương pháp dạy ngữ pháp bằng việc kết nối kiến thức ngữ pháp với các vấn đề liên quan đến những gì gần gũi với học sinh.
Trong khi đó, cùng dạy tiếng Anh, cô Đặng Tú Anh lại chú trọng kỹ năng làm bài để kích thích khả năng tự học của học sinh. Cô lồng ghép các trò chơi trong bài giảng để tăng khả năng tiếp thu và sự sáng tạo của học sinh.
Cô Đặng Tú Anh lồng ghép các trò chơi trong bài giảng để tăng sự sáng tạo của học sinh
Ở bộ môn Hóa học, thầy Phạm Thắng chú trọng xây dựng kiến thức nền tảng, tối ưu hóa các phương pháp, một phương pháp có thể giải quyết nhiều bài toán, tiết kiệm thời gian cho học sinh.
Cô Trần Thị Phương Thanh lại lựa chọn phương pháp cung cấp kiến thức hóa học tỉ mỉ với các hình ảnh minh họa trực quan sinh động, cung cấp các bước để phân tích nguyên nhân và bản chất của sự vật hiện tượng, cung cấp cái nhìn tổng quan giúp học sinh tư duy và hướng tư duy của các em đến bản chất của sự vật hiện tượng.
Một bài giảng trong khóa học Thí nghiệm mô phỏng hóa học phổ thông của cô Trần Thị Phương Thanh
Cô Thanh mong muốn học sinh phát huy kiến thức đã được học để vận dụng vào thực tiễn, từ đó khái quát thành kiến thức. Cách dạy này không những giúp học sinh hiểu về bản chất của sự vật, hiện tượng mà còn hiểu về tác dụng, tác hại của các sự vật, hiện tượng đó để có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường.
Thế Đan (VnExpress)