Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã khẳng định mục tiêu là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.
Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đây là cuộc cách mạng đổi mới về mục tiêu giáo dục. Khi đã thay đổi mục tiêu thì nội dung phải thay đổi. Nội dung thay đổi thì phương pháp thay đổi, trong đó có phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Nói cách khác, đổi mới phương pháp dạy học ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam nói chung và đối với mỗi giáo viên là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Nếu như trước đây, việc dạy học chủ yếu theo phương thức truyền thụ kiến thức một chiều, giáo viên coi sách giáo khoa như là pháp lệnh thì nay cách dạy học như vậy đã không còn phù hợp với bối cảnh đổi mới. Khi chúng ta chuyển sang giáo dục chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh sẽ đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo trong dạy học của giáo viên, mà ở đó học sinh phải là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định: Đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Vì thế, sự chủ động, đổi mới, sáng tạo trong dạy học không chỉ là trách nhiệm, là tự trọng nghề nghiệp, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi thầy, cô giáo. Điều đó càng cần được nhấn mạnh và chuyển thành hành động khi trong năm học 2020 - 2021 tới đây – năm học đầu tiên chúng ta áp dụng thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.
Rất nhiều người tâm đắc với những lời phát biểu đầy tâm huyết của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại Lễ khai mạc bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán rằng, chúng ta đã có ý tưởng, việc còn lại là hành động và người làm. Các thầy cô chính là người cụ thể hóa các ý tưởng, giải pháp để tạo ra kết quả và học sinh là người được hưởng lợi. Chúng ta có được thành quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ nhà giáo, trong đó có giáo viên.
Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên chính là đội ngũ trực tiếp thực thi Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Do đó, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới có đạt được mục tiêu Nghị quyết 88 của Quốc hội “Về chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới” hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ thầy, cô giáo.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tập trung tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Thiết nghĩ, dù có tập huấn, bồi dưỡng đến đâu và Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới có hay, có tốt đến nhường nào nhưng giáo viên không tự ý thức đổi mới thì người tụt hậu đầu tiên, không ai khác chính là các thầy, cô; sau đó là các em học sinh sẽ bị thiệt thòi. Nói cách khác, đổi mới phương pháp dạy học trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên. Suy cho cùng cũng là vì học sinh – tương lai của đất nước và vì sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.
Tâm An