Sau 35 năm đổi
mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, trong đó, có
đóng góp rất quan trọng của ngành giáo dục. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và
đánh giá cao những thành tựu quan trọng và quá trình lớn mạnh của ngành giáo
dục, trong đó có những thành tích được đánh giá là cao hơn nhiều so với mặt
bằng phát triển chung của nền kinh tế.
Đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương đã được
ngành giáo dục tích cực triển khai và đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Hệ
thống giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học ngày càng được hoàn chỉnh. Cơ
sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt,
đang từng bước được hiện đại hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Chúng ta tự hào
và phát huy có hiệu quả truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chỉ đạo
của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; sự ủng hộ của
các gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý
giáo dục... để không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đến nay, Việt Nam
đã có 4 trường đại học trong tốp 1.000 trường hàng đầu thế giới, 11 trường đại
học trong tốp 650 trường hàng đầu châu Á... và thường xuyên có nhiều học sinh
đạt giải quốc tế hằng năm.
Bên cạnh những
thuận lợi và kết quả tích cực nêu trên, ngành giáo dục còn những tồn tại, hạn
chế như:
Chất lượng giáo
dục và đào tạo còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục
nghề nghiệp; hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và
giữa các phương thức giáo dục, đào tạo;
Giáo dục đạo đức,
lối sống và kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng tầm mức; kỷ luật, kỷ
cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng; đội ngũ nhà giáo và cán
bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng;
Một bộ phận giáo
viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo
dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; cân đối bố trí ngân
sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách
tài chính để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn
nhiều bất cập, chậm đổi mới.
Để sớm khắc phục
những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần
tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo, quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải
pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương, chỉ đạo của Ban Bí thư
tại Kết luận số 51-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết số 29-NQ/TW, đồng thời lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, Bộ trưởng
và tập thể lãnh đạo Bộ cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ
đạo điều hành, tiếp tục đổi mới toàn diện tư duy giáo dục, phát huy trước hết
tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực cùng ngành giáo dục vươn lên mạnh mẽ; khắc
phục bằng được bệnh phô trương, thành tích để đi vào thực chất, lấy hiệu quả và
sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Thứ hai, tiếp tục hoàn
thiện thể chế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước là nhiệm
vụ quan trọng hàng đầu mà tập thể lãnh đạo Bộ cần dành thời gian nhiều hơn,
trong đó lưu ý đồng chí Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo lĩnh vực
này. Các quy định, cơ chế và chính sách hiện hành đang còn nhiều bất cập. Bộ cần bám sát
yêu cầu thực tiễn, chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan để thảo luận,
thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn với tinh thần vướng cấp nào thì trình cấp
đó xử lý, nhất là cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập; việc
gì mới chưa có quy định hay quy định không còn phù hợp nhưng chưa kịp sửa đổi,
bổ sung thì mạnh dạn đề xuất cho thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn
thiện và mở rộng dần; tinh thần là không nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn
mà làm cản trở phát triển.
Thứ ba, tư tưởng chỉ
đạo giáo dục và đào tạo là phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền
tảng, giáo viên là động lực. Bộ phải bám sát chỉ đạo này để hoạch định chính
sách, xây dựng thể chế phù hợp để làm rõ và vận hành có hiệu quả mối quan hệ
"nhà trường, học sinh, và giáo viên"; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang
bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Thứ tư, tăng cường
công tác xây dựng Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và
trong quản trị cơ quan Bộ. Hầu hết các trường hợp bị xử lý kỷ luật trong thời
gian qua đều có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ tại cơ quan, đơn vị. Đây là bài học
sâu sắc cần được các cấp uỷ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng chí Bộ trưởng, Bí
thư Ban Cán sự Đảng cùng tập thể lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng Bộ cần phát huy
tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, thống nhất chỉ đạo và làm tốt công
tác xây dựng Đảng, tuân thủ đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng,
phương thức lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành;
tăng cường kỷ cương, kỷ luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy
định.
Thứ năm, tiếp tục
hoàn thiện mô hình quản lý các trường đại học theo hướng phân cấp mạnh hơn để
Hội đồng trường nâng cao trách nhiệm tập thể và cá nhân, phát huy tính chủ động
sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực ngoài Nhà nước vào quản lý, đầu tư,
phát triển trường, nhất là đối với các trường tự chủ hoàn toàn hoặc một phần.
Bộ rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy
định của pháp luật về việc Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng ủy
trường.
Thứ sáu, để thực hiện tốt
hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc chỉ đạo làm tốt công tác xây
dựng luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... Bộ cần chủ động thiết kế, xây
dựng và ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình phù hợp làm cơ sở để tiếp
tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương và đơn vị. Đi đôi với việc tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm,
nhất là những vi phạm làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng của ngành như
"chạy trường, chạy lớp", "học giả, bằng thật", “chạy chức,
chạy quyền” trong ngành giáo dục. Tuyệt đối không
để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu ở ngay
trong cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục.
Thứ bảy, những vấn
đề mà xã hội quan tâm, bức xúc cần được Bộ quan tâm đúng mức và giải quyết kịp
thời. Ngành giáo dục có khoảng 1,2 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh, sinh
viên (khoảng 25% dân số). Như vậy, gần như gia đình nào cũng có học sinh, sinh
viên; khi có bức xúc liên quan đến ngành thì dễ lan nhanh, tạo hiệu ứng tiêu
cực. Quản lý Nhà nước
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được quy định, phân công, phân cấp rõ
ràng giữa Bộ, địa phương và các đơn vị liên quan, nhưng vẫn tiếp tục rà soát
đổi mới, kiện toàn để phân cấp quản lý tốt hơn nữa.
Thứ tám, trong bối
cảnh toàn thế giới đang chịu tác động mạnh mẽ và sâu sắc của cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ 4, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều loại dịch bệnh mới
và khó lường, Bộ cần chủ động, tích cực hợp tác quốc tế để tăng cường hoạt động
nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động
dạy và học ở nước ta. Trong điều kiện
dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Bộ cần chủ động chỉ đạo địa phương có kế hoạch
giảng dạy và học tập cho phù hợp với yêu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh và
xã hội, cũng như yêu cầu phòng, chống dịch.
Thứ chín, đề xuất cơ
chế, chính sách để đẩy mạnh hơn nữa công tác tổng kết, nghiên cứu khoa học và
ngày càng hoàn thiện lý luận của ngành giáo dục; khuyến khích sáng tạo, khởi
nghiệp nhiều hơn nữa trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và phục vụ sản xuất,
kinh doanh. Khẩn trương xây dựng cơ chế thành lập quỹ sáng tạo khởi nghiệp cho
sinh viên.
Thứ mười, Bộ chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, làm tốt hơn công tác thông tin,
truyền thông để xã hội, nhân dân hiểu, có nhiều chia sẻ, thông cảm và đóng góp
nhiều hơn cho ngành về những chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại