Bảo dưỡng sản phẩm và điều chỉnh chương trình đào tạo

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng nhận định: Chưa bao giờ các trường sư phạm có sự gắn kết chặt chẽ với Sở GD&ĐT, giảng viên sư phạm gắn kết với giáo viên phổ thông như hiện nay khi Bộ GD&ĐT vận hành mô hình bồi dưỡng mới. Trường sư phạm, giảng viên sư phạm đã có sự nhìn nhận và thấu hiểu hơn công tác giảng dạy cũng như nắm bắt được nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên phổ thông, từ đó có sự điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp. Giáo viên phổ thông cũng có nhiều cơ hội để trao đổi, học hỏi và tham vấn trực tiếp các vấn đề về chuyên môn với giảng viên sư phạm, hiểu hơn về hoạt động đào tạo của các trường sư phạm. "Trong quá trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà, giảng viên các trường sư phạm đi đến tận nơi, tiếp xúc từng giáo viên các cấp học khác nhau, đó là sự thấu hiểu, sự chia sẻ để điều chỉnh kế hoạch đào tạo ở đại học, tức là các chương trình đào tạo cho phù hợp với CTGDPT mới và phù hợp với thực tế địa phương. Cái thứ hai là phía giáo viên phổ thông cũng tiếp cận được tri thức mới từ các thầy cô giảng viên, đặc biệt là phương thức dạy học" - PGS.TS Lưu Trang chia sẻ.

Tham gia bồi dưỡng đội ngũ cốt cán và hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng qua mạng, TS Lê Thị Lan Anh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đồng hành cùng hàng trăm giáo viên cốt cán của 8 tỉnh miền núi phía Bắc hỗ trợ đồng nghiệp. Nhờ đó, giảng viên Lan Anh được cọ sát với nhiều vấn đề trong thực tế dạy học của thầy cô ở trường phổ thông. Từ nhu cầu đến những vướng mắc cần tháo gỡ của các thầy cô giáo bậc phổ thông đã giúp những giảng viên như cô có được dữ liệu để có thể điều chỉnh kế hoạch, chương trình đào tạo. Theo TS Lê Thị Lan Anh, quá trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán và đại trà thực hiện Chương trình GDPT mới như một cách để cô "bảo dưỡng" lại sản phẩm mà mình và các đồng nghiệp đã tạo ra. 

Đồng quan điểm này, TS Tưởng Duy Hải, giảng viên trường ĐHSP Hà Nội khẳng định: "Những giảng viên tham gia trực tiếp bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên phổ thông cốt cán, có nhiều giảng viên trong các ngành khoa học cơ bản và khoa học giáo dục thì khi người ta nghiên cứu chương trình phổ thông, tiếp xúc với giáo viên, người ta nắm bắt được tình hình phổ thông như thế nào để điều chỉnh cách thức bồi dưỡng và điều chỉnh trong quá trình dạy sinh viên, nghĩa là lúc này không chỉ là giảng viên nhóm ngành phương pháp, lý luận đảm nhận vai trò bồi dưỡng mà cả những giảng viên nhómn ngành khoa học cơ bản cũng đào tạo sát với chương trình giáo dục phổ thông hơn; Học được giáo viên phổ thông từ cách tiếp nhận, mức độ, tính thực tiễn".

Giảng viên sư phạm được làm mới mình

Là giảng viên trường ĐHSP TP HCM, TS Phạm Đình Văn tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông để triển khai Chương trình GDPT 2018 mà Bộ GD&ĐT cùng các trường sư phạm trọng điểm tổ chức từ năm 2019 đến nay. Trước khi tiến hành bồi dưỡng, các giảng viên sư phạm như thầy Văn được tập huấn để cập nhật toàn bộ kiến thức về Chương trình GDPT 2018. "Các giảng viên sư phạm cần phải biết về Chương trình GDPT mới để kết nối với chương trình đào tạo nhằm tạo ra những sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng các yêu cầu dạy học mới. Chúng tôi đồng thời hướng dẫn sinh viên tìm hiểu về Chương trình GDPT 2018, để thầy trò cùng vận dụng, chuyển sang cách giảng, cách học mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho chính sinh viên. Quá trình mình đi bồi dưỡng cũng nâng cao kỹ năng, phương pháp cho mình, mình cũng làm mới mình, nâng cao năng lực của giảng viên sư phạm trong việc cập nhật chương trình cũng như là đào tạo giáo viên trong tương lai, đáp ứng chương trình mới" - TS Phạm Đình Văn cho hay

"Có cái nhìn bên trong vào thực tế dạy học phổ thông, để khai thác, điều chỉnh việc giảng dạy ở đại học cho phù hợp", đó là điều mà TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, trường Đại học Sài Gòn tâm đắc khi tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018: "Khi tiếp xúc với giáo viên dạy học phổ thông, cũng như việc thường xuyên, liên tục trao đổi qua mạng để hỗ trợ giáo viên trong quá trình bồi dưỡng, có nhiều tình huống, vấn đề phát sinh trong thực tế dạy học mà mình chưa từng biết tới. Từ đó mình triển khai cho sinh viên của mình để cho mấy em không bỡ ngỡ khi mà bước ra đời".

TS Nguyễn Thị Ngọc Dung khẳng định, hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông chính là cách để giảng viên sư phạm học hỏi, nâng cao thêm năng lực chuyên môn gắn với thực tiễn giáo dục các địa phương.

Thạc sĩ Nguyễn Thuỳ Nhung, giảng viên trường ĐHSP - ĐH Huế cũng đánh giá cao mô hình bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT đang triển khai, mang đến cho giảng viên cơ hội nắm băt thực tế dạy học phổ thông nhiều hơn, liên tục và sát sao hơn khi hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng qua mạng, cũng như trong suốt quá trình giáo viên ứng dụng kiến thức được học vào thực tế giảng dạy, giảng viên luôn có sự kết nối thường xuyên, liên tục, bài bản qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến hoặc các nhóm zalo, facebook để hỗ trợ giáo viên. 

Những vướng mắc của người học, cách vận dụng hiệu quả của giáo viên phổ thông đều là bài học bổ ích cho giảng viên sư phạm mở rộng hiểu biết, nâng cao năng lực chuyên môn. 

Giảng viên Nguyễn Thuỳ Nhung, giảng viên trường ĐHSP - ĐH Huế cho rằng, gắn kết lý luận dạy học với thực tế triển khai ở các trường phổ thông chính là mục tiêu quan trọng mà các trường sư phạm hướng tới để nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Và những ý kiến, khó khăn của giáo viên phổ thông chính là cơ sở để giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn. Khi đó, chuẩn đầu ra và mục tiêu chương trình đào tạo giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

TS Lê Quang Vượng, giảng viên Trường Đại học Vinh cho rằng: Các trường sư phạm tham gia hoạt động bồi dưỡng thì giáo viên phổ thông có nhiều cơ hội để trao đổi, học hỏi và tham vấn trực tiếp các vấn đề về chuyên môn với giảng viên sư phạm. Ngược lại hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông cũng giúp các giảng viên sư phạm tăng cường năng lực chuyên môn đào tạo giáo viên.

Có thể nói, hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông của giảng viên sư phạm đã thực hiện được mục tiêu kép, đó là "bảo hành sản phẩm đào tạo, nâng cao năng lực dạy học của giáo viên phổ thông để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới, đồng thời nâng cao năng lực sư phạm của giảng viêntheo hướng sát thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của đời sống dạy học phổ thông cũng như định hướng đổi mới giáo dục của đất nước. Từ đó, góp phần đào tạo ra đội ngũ giáo viên có thể thích ứng với những yêu cầu đổi mới. 

TT. ETEP