Triển khai Kết luận 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thành xây dựng bộ chương trình, giáo trình 5 môn lý luận chính trị giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, đưa vào giảng dạy từ năm học 2019-2020. Đây là một bước quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị trong trường đại học, cao đẳng.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn và triển khai bộ chương trình, giáo trình này.

* Thưa đồng chí, trước khi triển khai Kết luận 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, việc dạy và học các môn lý luận chính trị trong trường đại học, cao đẳng được thực hiện như thế nào?

- Thực hiện Quyết định số 494/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Một số biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng, môn Chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề”; căn cứ biên bản họp ngày 11-8-2008 của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình các môn Lý luận chính chính trị; căn cứ ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương tại công văn số 2450-CV/BTGTW ngày 25-8-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT ngày 18-9-2008 về ban hành chương trình các môn Lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm 3 môn: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin (5 tín chỉ); Tư tưởng Hồ Chí Minh (2 tín chỉ); Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (3 tín chỉ).

Việc tổ chức dạy học các môn lý luận chính trị theo 3 môn nêu trên đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ sinh viên các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, dạy học các môn lý luận chính trị theo 3 môn cũng bộc lộ một số hạn chế. Đối với các môn lý luận chính trị còn lại, việc chiêu sinh rất khó khăn (trước đây sinh viên theo học các môn này để ra trường làm công tác giảng dạy đại học; nay do không còn các môn này nên họ không theo học).

Việc phân công giảng viên được đào tạo từng chuyên ngành trong 3 môn trước đây phải đảm nhiệm dạy môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” làm cho chất lượng bài giảng giảm sút, người giảng e ngại, không tự tin. Bên cạnh đó, giữa các chương trình trong hệ thống giáo dục quốc dân chưa có sự liên thông, một số nội dung còn trùng lặp giữa các cấp học, bậc học. Quy định về trình độ lý luận chính trị chưa có sự thống nhất giữa hệ thống giáo dục quốc dân với hệ thống giáo dục của Đảng, đoàn thể, hệ thống giáo dục trong quân đội và công an.

Đặc biệt là không có sự phân biệt giữa sinh viên chuyên ngành lý luận chính trị với sinh viên không chuyên lý luận chính trị. Hệ chuyên ngành lý luận chính trị cũng chỉ học chương trình các môn lý luận chính trị như đối với hệ không chuyên… Do đó, cần khẩn trương khắc phục để phù hợp với bối cảnh mới của sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở rà soát đánh giá kết quả triển khai Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT ngày 18-9-2008 và trên tinh thần đổi mới phát triển kinh tế xã hội, Ban Bí thư đã có Kết luận 94-KL/TW ngày 28-3-2014 về “Tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị dùng chung trong đào tạo trình độ đại học đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

* Những nội dung nào của Kết luận 94-KL/TW đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt để triển khai biên soạn chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị, thưa đồng chí?

- Nội dung cơ bản của của Kết luận 94-KL/TW là đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ ta.

Học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng; sát với thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng; gắn với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Các vấn đề đến nay không còn phù hợp thì không đưa vào nội dung học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, mềm dẻo, có thực tiễn và phù hợp với từng cấp; tạo được sự hứng thú và có trách nhiệm cho người dạy và người học; người học thích đọc hơn, có trách nhiệm phải học; người dạy có hứng thú hơn, có trách nhiệm cao hơn.

Nội dung chương trình học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân phải tập trung xây dựng cho tốt, phù hợp cho từng đối tượng học, từng cấp học, bậc học từ thấp đến cao. Phân định rõ nội dung học tập lý luận chính trị ở từng cấp học, bậc học, tránh trùng lắp, học đi học lại nhiều lần ở nhiều cấp học; đồng thời, bảo đảm tính liên thông.

Đối với sinh viên đại học, phải xây dựng thành các bài giảng chung, tổng hợp về các vấn đề cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác - Lênin, trọng tâm là về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng hiện nay. Riêng sinh viên đại học chuyên ngành lý luận chính trị, cần học tập các môn lý luận chính trị sâu rộng, đầy đủ hơn, phù hợp với yêu cầu đào tạo.

* Vậy, bộ chương trình, giáo trình các môn chính trị do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sẽ được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng tới đây sẽ có sự thay đổi về số lượng các môn học, thời lượng dạy và học như thế nào, thưa đồng chí?

- Sau khi rà soát, cấu trúc lại, chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị mới đã được biên soạn và được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua bao gồm 5 môn: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế Chính trị Mác Lênin, Chủ nghĩa Xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, chương trình mới đã tăng cường thời lượng, số lượng tín chỉ và có sự phân biệt về thời lượng, số lượng tín chỉ giữa chương trình đào tạo ngành không chuyên và ngành chuyên về lý luận chính trị, đây là điểm mới so với chương trình cũ.

Cụ thể, chương trình các môn lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo của ngành không chuyên về lý luận chính trị sẽ bao gồm 11 tín chỉ: Triết học Mác - Lênin: 3 tín chỉ; Kinh tế chính trị Mác - Lênin: 2 tín chỉ; Chủ nghĩa xã hội khoa học: 2 tín chỉ; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 2 tín chỉ; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 2 tín chỉ.

Chương trình các môn lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo của ngành chuyên về lý luận chính trị sẽ bao gồm 14 tín chỉ: Triết học Mác - Lênin: 4 tín chỉ; Kinh tế chính trị Mác - Lênin: 3 tín chỉ; Chủ nghĩa xã hội khoa học: 2 tín chỉ; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 3 tín chỉ; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 2 tín chỉ.

* Để triển khai việc đổi mới chương trình lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục đại học, vấn đề quan trọng nhất là phải chuẩn bị tốt về đội ngũ giảng viên giảng dạy, về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo và thực hiện như thế nào?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn về 5 bộ chương trình, giáo trình đã được nghiệm thu. Đối tượng tham gia tập huấn là tất cả giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị của các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc.

Tài liệu tập huấn là chương trình, giáo trình đã được 5 Hội đồng nghiệm thu quốc gia thông qua, đã được các chủ tịch hội đồng biên soạn 5 bộ môn ký từng trang tài liệu, là cơ sở cho thảo luận, góp ý tại hội nghị tập huấn và triển khai giảng dạy đại trà tại các cơ sở giáo dục đại học từ năm học 2019-2020.

Để kịp thời triển khai việc giảng dạy theo bộ chương trình, giáo trình mới từ năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3056/BGDĐT-GDĐH ngày 19-7-2019 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị, thực hiện Thông báo số 363-TB/BTGTW ngày 31-5-2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương, theo hướng “giảng viên được đào tạo chuyên ngành nào, giảng dạy môn học đó, xây dựng đội ngũ giảng viên riêng cho từng môn học”, bảo đảm biên chế giảng viên theo từng môn học phù hợp với quy mô, cơ cấu và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu của các môn học lý luận chính trị.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên cơ hữu các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình, giáo trình mới và nhu cầu thực tế của cơ sở đào tạo. Thực hiện nghiêm túc cấu trúc chương trình các môn lý luận chính trị đã được nghiệm thu; điều chỉnh chương trình đào tạo trình độ đại học của các ngành trước khi tổ chức triển khai đào tạo từ khoá tuyển sinh năm 2019 - 2020.

Để bảo đảm chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị theo chương trình, giáo trình mới, trên cơ sở các quy định hiện hành về các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học cần quy định cụ thể về tỷ lệ giảng viên các môn trên tổng số sinh viên theo học; thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên các môn lý luận chính trị.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể các môn lý luận chính trị trong toàn khóa học theo quy định của chương trình các môn lý luận chính trị được phê duyệt, phù hợp với trình độ nhận thức của sinh viên và đảm bảo tính lôgic của kiến thức giữa các môn học lý luận chính trị.

* Đồng chí có đề xuất gì với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc hỗ trợ nhằm triển khai chương trình lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng và các hoạt động của ngành Giáo dục nói chung?

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ tập huấn cho giảng viên lý luận chính trị theo chương trình, giáo trình mới. Đồng thời, hỗ trợ và đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đề xuất các chính sách nhằm thu hút và tạo động lực cho đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị tại các trường đại học, cao đẳng.

Nhân đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn trân trọng tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy thời gian qua đã hỗ trợ ngành Giáo dục trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của đảng, chính sách của nhà nước về giáo dục, góp phần quan trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tôi mong rằng, thời gian tới, nhất là năm 2020 - năm ngành Giáo dục sẽ triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục, trong đó có triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - ngành Tuyên giáo sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với ngành Giáo dục để làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động định hướng thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội về các nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo.

* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo điện tử