Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý đã xác định và bổ sung được ý này trong mục tiêu giáo dục là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thời đại và của đất nước đối với con người trong bối cảnh hiện nay.
GS.TS. Đinh Xuân Khoa cho rằng, mục tiêu giáo dục là một hệ thống các chuẩn mực của một mẫu hình nhân cách cần hình thành cho thế hệ trẻ theo yêu cầu của xã hội trong những giai đoạn nhất định.
Việc xác định đúng đắn mục tiêu giáo dục phù hợp với sự phát triển của thời đại, của đất nước để định hướng cho hoạt động giáo dục là vấn đề có tính chiến lược.
Mục tiêu giáo dục là thành tố có ý nghĩa quyết định của quá trình giáo dục. Nó quy định nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, các tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Là yếu tố dự kiến về sản phẩm của giáo dục nên mục tiêu giáo dục liên quan trực tiếp đến việc phát huy sức mạnh của con người, là vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Vì vậy, việc xác định đúng đắn mục tiêu giáo dục phù hợp với sự phát triển của thời đại, của đất nước để định hướng cho hoạt động giáo dục là vấn đề có tính chiến lược.
Như chúng ta đã biết, hiện nay trên thế giới, cách mạng khoa học công nghệ phát triển hết sức nhanh chóng, đặc biệt là cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Trước xu thế phát triển của thế giới, nền kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay đã có những chuyển biến sâu sắc, toàn diện.
Giáo dục với chức năng cơ bản là đào tạo nhân lực cho xã hội cần phải thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu này, trước hết là phải xác định đúng đắn mục tiêu giáo dục, tức là mô hình nhân cách con người mà nhà trường phải đào tạo theo yêu cầu của xã hội.
Con người Việt Nam hiện đại không chỉ phát triển toàn diện về nhân cách, có những phẩm chất và năng lực công dân mà còn phải được phát huy tối đa mọi tiềm năng, khả năng sáng tạo của mình để thích ứng với cách mạng khoa học công nghệ 4.0, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mặt khác, con người Việt Nam hiện đại cần phải có những năng lực cần thiết để hội nhập quốc tế như năng lực ngoại ngữ, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác... Điều này chỉ có được thông qua quá trình giáo dục.
"Việc đổi mới mục tiêu giáo dục trong bối cảnh hiện nay có tác dụng định hướng đúng đắn cho mọi hoạt động giáo dục, lựa chọn được nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học.
Qua đó nâng chất lượng giáo dục, làm cho giáo dục Việt Nam tiệm cận với trình độ phát triển giáo dục của các nước trong khu vực và trên thế giới" - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh nhìn nhận.
Hiếu Nguyễn (Báo GD&TĐ)