Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hiệu trưởng các trường nói riêng cũng như cán bộ quản lý nhà trường nói chung có vai trò hết sức quan trọng trong triển khai Chương trình GDPT mới. Nhìn nhận chương trình mới không đơn giản là một đợt thay SGK mà là cả một công cuộc cải cách giáo dục toàn diện, thay đổi toàn bộ nền giáo dục Việt Nam, với mục tiêu đưa giáo dục nước nhà tiệm cận và hội nhập với những nền giáo dục tiên tiến.

Cần "cởi trói" cho các trường và hiệu trưởng

"Đổi mới giáo dục phải từ sự thay đổi của hiệu trưởng, muốn giáo dục thay đổi phải thay đổi giáo viên và quan trọng nhất là thay đổi hiệu trưởng, đây là nguyên tắc vàng trong cải cách giáo dục. Hiệu trưởng là chủ trường, hiệu trưởng hiểu chương trình đến đâu, thì toàn bộ trường đó sẽ thay đổi theo đến đó", ông Đặng Tự Ân nói.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, khi mục tiêu giáo dục mới hướng tới hình thành những năng lực, phẩm chất cho học sinh, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính, nếu tiếp tục quản lý nhà trường theo cơ chế cũ thì không thể đổi mới. Trong bối cảnh mới, cần chuyển từ quản lý nhà trường sang quản trị nhà trường, gắn chặt với vai trò của hiệu trưởng. Trong đó, yếu tố cốt lõi là vấn đề dân chủ và tự chủ trong mỗi nhà trường, cần làm sao để các trường được "cởi trói", phát huy hết khả năng vốn có.

"Có những nơi nhất nhất mọi hoạt động đều phải xin ý kiến cấp trên, theo tôi điều này không đúng với cách quản trị nhà trường, những hoạt động chuyên môn các trường phải được chủ động, không phải cái gì cũng cần xin phép", ông Đặng Tự Ân nói.

Chuyên gia giáo dục này cũng nói thêm rằng: "Muốn đổi mới giáo dục trước tiên cần quan tâm đến giáo viên và nhu cầu của giáo viên. Nếu như trong cách quản lý cũ, các trường thường bỏ qua nhu cầu của giáo viên mà chỉ yêu cầu họ làm điều này điều kia, thì nay hiệu trưởng  cũng cần thay đổi, biết cần lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của giáo viên, tránh việc áp đặt, ngăn cấm mệnh lệnh. Để làm được điều này là cả một nghệ thuật, đáp ứng đến đâu, thế nào là điều không dễ".

Hiệu trưởng phải là người tự chịu trách nhiệm

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho biết, trong chương trình mới, yêu cầu mỗi hiệu trưởng cần xây dựng được kế hoạch nhà trường riêng, chỉ đạo xây dựng kế hoạch với từng môn học với từng giáo viên theo đúng mục tiêu đề ra. Hiệu trưởng không chỉ nắm vai trò tổng thể mà còn cần chỉ đạo cụ thể với từng tổ chuyên môn.

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới, ngoài bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, Thanh Hóa tổ chức bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý giáo dục theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Quá trình bồi dưỡng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Năm học 2021 - 2022, chương trình GDPT mới bắt đầu triển khai ở bậc THCS, đến thời điểm này, tất cả cán bộ quản lý các nhà trường và giáo viên đã đều hoàn thành đúng tiến độ bồi dưỡng theo yêu cầu.

"Trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT cũng đã họp để chỉ đạo các hiệu trưởng về tinh thần của chương trình mới. Trong đó, công tác quản trị nhà trường phải phát huy được hết tính sáng tạo của giáo viên, không được dập khuôn, máy móc. Hiện nay, chúng ta có một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, như vậy mỗi bài giảng có thể lấy tư liệu từ nhiều bộ sách khác nhau, dù phương thức giảng của giáo viên thế nào, nhưng cuối cùng cũng phải đạt được mục tiêu chung", ông Lựu cho biết.

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cho biết, đến nay đã hoàn thành 3 modul bồi dưỡng cho cán bộ quản lý thuộc Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT. Thầy Hồ Tuấn Anh cho rằng, chương trình tập huấn hiện đại, dễ tiếp cận và phù hợp với thời đại 4.0. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi tính tự giác, tinh thần tự học của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên tham gia.

"Khi tham gia tập huấn, cán bộ quản lý phải tự học, tự nghiên cứu tài liệu, thời gian tập huấn trực tiếp với giảng viên các trường sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục sẽ là cơ hội để trao đổi, tương tác 2 chiều. Giảng viên các trường đại học được nghe nhiều hơn về thực tiễn giảng dạy, quản lý tại các nhà trường, từ đó bổ sung vào nguồn học liệu, điều chỉnh chương trình đào tạo sinh viên.

Về phía cán bộ quản lý, đây cũng là dịp để tiếp thu kiến thức, quan niệm mới về giáo dục, cách quản lý mới để áp dụng vào trường học", thầy Hồ Tuấn Anh nói.

Hiệu trưởng Trưởng THCS Quỳnh Phương cho biết, sau khi tham gia tập huấn, bản thân thầy cũng có những chuyển biến về mặt nhận thức trong công tác quản lý, để đáp ứng chương trình mới, mỗi hiệu trưởng cần chuyển từ quản lý sang quản trị trường học.

Nếu như vai trò người quản lý còn thiên nhiều về tính thụ động, trông chờ ở cấp trên, thì khi chuyển sang quản trị, tính tự chủ của mỗi trường học, mỗi hiệu trưởng sẽ cao hơn. Hiệu trưởng phải là người tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường, có trách nhiệm giải trình trước xã hội và đặc biệt là tính tự chịu trách nhiệm cao hơn.

Trong quyền tự chủ đó, hiện nay các trường đang áp dụng khá thành công là tự chủ về nội dung giáo dục nhà trường khi triển khai Chương trình GDPT mới, các trường tự xây dựng kế hoạch giáo dục. Song bên cạnh đó, hiện nay cũng vẫn còn vướng mắc về quyền tự chủ về mặt nhân lực, tự chủ cả về mặt chất lượng và số lượng giáo viên.

"Trong các mô đun bồi dưỡng thuộc Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết về nội dung tự chủ trong trường học ra sao, nhưng trong một số văn bản pháp luật, cơ chế hiện hành lại chưa theo kịp, hoặc một số địa phương còn đặt ra giấy phép con, chưa muốn "thả" cho các cơ sở giáo dục tự chủ", thầy Hồ Tuấn Anh nói.

Cán bộ quản lý này cho rằng, Chương trình GDPT mới đặt ra những thách thức về đổi mới cho chính giáo viên và ban giám hiệu mỗi trường học. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu đổi mới, không chỉ giáo viên, mà chính hiệu trưởng các trường cũng cần tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Theo VOV.VN