1. Mở đầu

Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và tầm ảnh hưởng sâu rộng của khoa học công nghệ đến đời sống con người. Những sự phát triển này đã và đang  tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống KT-XH của các quốc gia. Bản chất của CMCN 4.0 chính là sự ứng dụng công nghệ, khoa học dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ sản xuất và cuộc sống con người. CMCN 4.0 đem lại nhiều điều kiện thuận lợi, giúp con người khám phá nhiều tri thức mới, nâng cao quy mô và chất lượng nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức song hành với các thời cơ, buộc người lao động, các nhà hoạch định chiến lược phải thay đổi cho phù hợp. Trong sự tác động ấy, giáo dục hiện đại, đặc biệt là giáo dục đại học là lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học và sau đại học.

Tuy nhiên, sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 đến giáo dục đòi hỏi các trường đại học cần thay đổi mục tiêu, nội dung giáo dục, phương pháp dạy học. Việc dạy học trực tuyến, cùng với các công cụ hỗ trợ cho giảng dạy của thời đại công nghệ số đã và đang thay đổi lớn đến tình hình dạy và học tại các trường đại học, giúp hiện đại hóa giáo dục, hội nhập với quốc tế, song lại đặt ra rất nhiều những vấn đề khiến giảng viên (GV) và các nhà quản lí phải cân nhắc để thay đổi phương pháp dạy học nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong giáo dục đại học hiện nay.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Cách mạng công nghiệp 4.0

Khái niệm “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” đã xuất hiện trong những năm gần đây và có sự lan tỏa ngày càng sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống. Đây là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Theo Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Hiện nay, cuộc CMCN lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ ba với đặc trưng là sự hợp nhất các loại công nghệ, làm xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực vật lí, kĩ thuật số và sinh học với trung tâm là phát triển trí tuệ nhân tạo, robot hóa, Internet vạn vật, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây liên ngành sâu rộng cho tự động hóa sản xuất chế tạo [1].

Từ cách giải thích như vậy, có thể thấy được cốt lõi của cuộc cách mạng này nằm ở các vấn đề sau: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Đây thực sự là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử công nghiệp trên thế giới, tạo ra những thời cơ và thách thức rất lớn đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. CMCN 4.0 đã thực sự đặt GV trước những thách thức lớn để thay đổi toàn diện các phương pháp dạy học đối với sinh viên (SV) từ trước đến nay. Đây cũng sẽ là một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Bài viết trình bày sự tác động tích cực và những thách thức mà CMCN 4.0 đem lại đối với yêu cầu phương pháp dạy học tại các trường đại học ở Việt Nam và đưa ra một số định hướng đổi mới phương pháp dạy học đại học hiện nay để giáo dục đại học có thể bắt kịp với xu thế giáo dục mới từ CMCN 4.0 đem lại.

2.2. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với phương pháp dạy học đại học hiện nay

2.2.1. Những tác động tích cực

- Đối với sinh viên: Vì bản chất của cuộc cách mạng này là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn, nên trong giáo dục, những yếu tố này hoàn toàn có khả năng được áp dụng một cách có hiệu quả nếu các nhà quản lí giáo dục, đội ngũ giảng viên biết sử dụng hợp lí những tác động tích cực của cuộc cách mạng này. Trên thế giới, người máy hay trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong giáo dục hòa nhập cho trẻ em tự kỉ, mở ra một kỉ nguyên mới trong lĩnh vực này.

Việt Nam là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nguồn lực internet. Việc truy cập internet hiện nay trở nên rất thông dụng đối với mọi người, đây là điều kiện dễ dàng nhất để tìm kiếm kho dữ liệu thông tin khổng lồ trên thế giới và ở Việt Nam, là điều kiện rất thuận lợi cho giáo dục tại các trường đại học hiện nay. SV cũng có thể dễ dàng tìm kiếm những tri thức cần có thông qua thiết bị bắt wifi, di động thông minh, laptop, máy tính bảng... để tự tìm hiểu kiến thức dưới sự hướng dẫn của GV và hoàn thành được mục tiêu giáo dục của mình.

Hơn nữa, đây cũng là nhân tố đạt được mục tiêu giáo dục mà Đảng và Nhà nước ta đề ra, nhằm xây dựng một nền giáo dục đại học “đào tạo và tự đào tạo. Hơn nữa, ngoài nguồn kiến thức vô cùng rộng lớn đó, SV tiếp cận được những tài liệu bằng tiếng nước ngoài để có những góc nhìn sâu sắc, đa chiều về vấn đề tiếp cận. Điều này hình thành ở SV kĩ năng tìm kiếm và chọn lọc các thông tin, xây dựng kĩ năng tư duy phản biện. Nguồn tài liệu phong phú, đa chiều sẽ phục vụ đắc lực cho việc học tập của SV hiện nay.

Xu thế cách mạng công nghệ hiện nay đòi hỏi SV phải là người chủ động, tích cực học tập và rèn luyện bản thân, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình. Việc quản lí của GV đối với SV không còn bị gò bó, thậm chí GV chỉ là người hướng dẫn, định hướng việc học tập của SV. Phương pháp học tập của chính SV cần phải thay đổi để thích ứng với thời đại số, dữ liệu và vạn vật kết nối. Các em có thể học tập, lĩnh hội kiến thức bằng những phương pháp mở rộng, tự do, sáng tạo và vô cùng linh hoạt, chủ động học ở bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, như vậy sẽ kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của SV hơn là việc học thuộc lòng để “trả bài” một cách hình thức. Xây dựng một phương pháp học tập phù hợp với xã hội hiện đại là điều kiện để các em tiếp cận với nhiều tri thức khoa học trong cùng một thời gian học tập. Nội dung học tập của SV cũng cần thay đổi, không còn gò bó, khép kín trong đề cương môn học nặng về lí thuyết; được bổ sung, hoàn thiện và luôn luôn đổi mới, đáp ứng được sự thay đổi về tri thức khoa học trên thế giới và ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những yếu tố khác biệt mà CMCN 4.0 đem lại cho giáo dục, mở rộng, tối đa các lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện cho việc thay đổi phương pháp và nội dung học tập của SV.

Tác động rõ ràng nhất của CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo và sự xuất hiện của robot có thể thay thế con người về khả năng tính toán, ghi nhớ, phân tích cùng hiệu suất công việc cao. Theo đó, nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới nguồn lao động trong những năm tới - chính là những sinh viên đang học tập hôm nay.

Một trong những tác động của CMCN 4.0 đến SV là sự lựa chọn ngành nghề theo học. Để thích ứng với thời đại CMCN 4.0 thì nhu cầu nhân lực về công nghệ thông tin, an ninh mạng, công nghệ sinh học... sẽ tăng cao. Điều này là cơ hội cũng như là thách thức đối với sinh viên, đòi hỏi sự nỗ lực cao của chính họ, bởi vì ngoài kiến thức chuyên ngành, các em còn cần trang bị thêm các kĩ năng liên quan khác, đồng thời phải thích ứng với những phương pháp học tập mới. Bên cạnh đó, những nhóm ngành về xã hội - nhân văn, sáng tạo nghệ thuật... cũng có nhiều cơ hội phát triển vì robot khó có thể thay thế hoàn toàn con người trong những lĩnh vực này.

CMCN4.0 đã tác động mạnh đến nền giáo dục ở mỗi nước khiến ranh giới giữa các ngành học sẽ không còn rõ ràng mà phải hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Vì vậy, đây là cơ hội để sinh viên chủ động tích lũy tri thức, làm chủ công nghệ, cập nhật kịp thời những ứng dụng tiến bộ của khoa học kĩ thuật mới nhất để có thể cạnh tranh về việc làm trong kỉ nguyên toàn cầu hóa. Ngoài ra, trau dồi ngoại ngữ là một yêu cầu không thể thiếu trong thời kì CMCN 4.0, giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm cơ hội học tập và việc làm hấp dẫn, nhất là trong xu thế “đa quốc gia hóa” của các công ty lớn như hiện nay. Đây là cơ hội để mở rộng sự hiểu biết cũng như quan hệ trong và ngoài nước, giúp các em có nhiều trải nghiệm để hoàn thiện bản thân, trở thành “những công dân toàn cầu” năng động, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết.

- Đối với giảng viên

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang đem lại nhiều điều kiện thuận lợi cho GV tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. 

Trước hết, nguồn tài liệu phục vụ giảng dạy vô cùng đa dạng nhờ sự tiến bộ của hệ thống internet kết nối và dữ liệu khổng lồ giúp GV tiếp cận được nhiều tài liệu trong và ngoài nước, phục vụ tốt việc xây dựng bài học. GV có thể tìm hiểu sâu sắc về vấn đề giảng dạy với nhiều hướng nhận thức khác nhau, làm phong phú thêm cách nhìn nhận của bản thân với môn học, giúp các GV tự tin hơn trong giảng dạy. 

Tiếp đến, GV có thể sử dụng các phương pháp, phương tiện và kĩ thuật dạy học hiện đại áp dụng vào hoạt động giảng dạy của mình. Với nhiều phần mềm dạy học hiện đại, GV có nhiều lựa chọn đối với các phương tiện kĩ thuật phù hợp với giảng dạy. Hiện nay, trên thế giới, các nhà khoa học giáo dục đã tìm kiếm và xây dựng trên 200 phần mềm dạy học hiện đại, đây là một kho phần mềm tiện ích giúp GV tìm hiểu, vận dụng và linh hoạt sử dụng trong giảng dạy để tạo ra hiệu quả giáo dục tốt nhất. Quan trọng nhất, chính là việc cuộc cách mạng này đặt ra cho GV một sự thay đổi lớn trong giảng dạy, với sự xuất hiện của việc dạy học online, e-learning. 

2.2.2. Những tác động tiêu cực 

 Bên cạnh những tác động tích cực thì CMCN 4.0 đang thực sự tạo ra nhiều những thách thức, đòi hỏi các GV cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong công tác giảng dạy của mình:

- Thứ nhất, nhiều công cụ hỗ trợ giảng dạy đòi hỏi GV phải thường xuyên cập nhật các phương pháp dạy học hiện đại để tránh sự nhàm chán trong quá trình dạy và học.  

Theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học giáo dục trên thế giới, hiện nay có khoảng hơn 200 công cụ hỗ trợ có thể áp dụng vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, những công cụ này không phải ai cũng hiểu, ai cũng có thể sử dụng trong thực tiễn. Hơn nữa, mỗi ngày công nghệ càng hiện đại hơn, nên nhiều GV có thể không theo kịp và khó ứng dụng vào trong giảng dạy làm cho hiệu quả giảng dạy bị giảm sút.

- Thứ hai, số tiết dạy của GV có thể sẽ bị giảm bớt, thay vào đó là sự xuất hiện của việc học tập online rút ngắn thời gian học tập và kết thúc học phần.

Hiện nay có nhiều phần mềm công nghệ trợ giúp GV đại học dạy học từ internet. Thay vì SV phải lên lớp thì hiện nay các em hoàn toàn có thể tự học tập ở nhà từ các website của GV, những clip giảng và tư liệu; nhờ đó SV hoàn thành việc học tập của bản thân tốt hơn. Hơn nữa, khác với những lớp học “truyền thống”, thì lớp học online có thể áp dụng cho lớp học có số lượng SV lớn cùng tham gia học tập. Do đó, số tiết giảng dạy của GV sẽ bị giảm sút, những yêu cầu đối với số tiết chuẩn của GV cũng cần phải được điều chỉnh cho hợp lí.

- Thứ ba, SV có thể gặp khó khăn trong lựa chọn và sử dụng nguồn tài liệu. 

Do nguồn tài liệu “mở”, đa chiều, phong phú, vừa có khả năng giúp SV có thể sử dụng tốt các tài liệu nhưng cũng đem lại sự khó khăn cho SV trong việc lựa chọn tài liệu khi học tập. Có nhiều nguồn tài liệu không chính thống, chưa được kiểm duyệt trên mạng internet nên SV sẽ khó xác định những tài liệu khoa học, đúng đắn đã được kiểm duyệt khi sử dụng. Bởi vậy, họ cần được hướng dẫn và định hướng rõ ràng từ GV.

2.3. Một số định hướng đổi mới phương pháp dạy học đại học hiện nay

Trước những thời cơ lẫn thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc đổi mới phương pháp dạy học ở đại học như hiện nay đòi hỏi GV cũng như các nhà quản lí cần phải tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy học.

2.3.1. Nâng cao nhận thức của giảng viên

Trước hết, cần nhận thức rằng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học là một tất yếu trong điều kiện mới. Quá trình này có thể khó khăn bước đầu đối với GV; vì vậy, mỗi GV cần quyết tâm và kiên trì, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ dạy học theo những yêu cầu mới. Tâm thế chủ động, tự tin sẽ là động lực giúp GV đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả để ứng dụng những thành tựu của nó vào trong hoạt động giảng dạy.

Vai trò của người thầy “truyền thống” đang có sự thay đổi, từ người truyền thụ kiến thức, đến nay, GV là người tổ chức, hướng dẫn SV tiếp nhận tri thức; vì vậy, nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và các phương thức dạy học hiện đại là một yêu cầu không nhỏ đòi đối với đội ngũ GV hiện nay.

Yêu cầu mới trong giáo dục thời kì hội nhập đòi hỏi GV phải thật tâm huyết và đam mê với nghề sư phạm để có một nội lực mạnh mẽ, luôn luôn sáng tạo, đổi mới trong công việc, hình thành nhiều ý tưởng và biến nó thành những hoạt động thực tiễn. Từ đó, GV cần chủ động sáng tạo, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học bộ môn. Trong giảng dạy, GV cần từng bước áp dụng các phương pháp dạy học dạy học hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, kĩ thuật hiện đại trong dạy học.

Nhiều phương pháp dạy học mới như thảo luận nhóm; sử dụng các tình huống có vấn đề, dạy học theo góc... cùng với các công cụ hỗ trợ kĩ thuật dạy học như edomodo; kahoot; youtube, các hình thức dạy học trực tuyến... rất hiệu quả trong việc giảng dạy hiện nay. Mỗi một môn học có những đặc thù riêng, GV có thể theo dõi và lựa chọn những phương pháp dạy học và phương tiện kĩ thuật dạy học phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất, tạo được sự hứng thú, tích cực học tập của SV.

2.3.2. Cơ chế quản lí của nhà trường

Tuy GV là người thực hiện hoạt động GD-ĐT trong các nhà trường, nhưng để hoạt động đó có hiệu quả thì cần đến cơ chế quản lí phù hợp của nhà trường, cụ thể như: Xác định những chiến lược dài hạn và ngắn hạn ứng dụng cuộc CMCN 4.0 trong hoạt động của nhà trường. Định hướng các mục tiêu sát với thực tế, chuẩn bị tâm thế cho GV cũng như cán bộ nhân viên của nhà trường để sẵn sàng đón nhận những sự thay đổi của tình hình thực tiễn.  

Nhà trường cần có những kế hoạch cụ thể trong từng bộ môn, ứng dụng và thí điểm từng bước hoạt động dạy học hiện đại, từ đó rút kinh nghiệm để mở rộng đổi mới phương pháp dạy học ở những bộ môn tiếp theo trong toàn trường. Hoạt động này nên tiến hành theo từng bước, tránh nóng vội, chủ quan có thể dẫn đến hiệu quả kém trong giảng dạy tại nhà trường. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin cho GV là một việc làm cấp thiết trước yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập toàn cầu hiện nay. 

Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần đề ra những chính sách, khuyến khích động viên, tạo động lực cho GV tích cực sáng tạo và ứng dụng những phương pháp dạy học hiện đại vào thực tiễn của nhà trường để khuyến khích sự đam mê và tâm huyết của GV. Có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như tăng lương, khen thưởng..., từ đó nhân rộng mô hình cá nhân tiên tiến trong toàn trường. Sau mỗi hoạt động đổi mới cần có sự đánh giá rút kinh nghiệm và trao đổi giữa các GV nhằm tạo sự hỗ trợ trong hoạt động giảng dạy của các GV. Nhà trường nên thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng GV, cũng như tổ chức thường niên các hội thảo nghiên cứu khoa học chuyên sâu về phương pháp dạy học tại nhà trường nhằm cung cấp kiến thức cũng như nâng cao những kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cho GV. 

Về cơ sở vật chất: các nhà trường cần đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, cột thu sóng wifi mạnh đủ cho GV và SV tham gia kết nối và học tập trên internet một cách dễ dàng hơn.

3. Kết luận 

Sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt đối với hoạt động dạy và học trong các trường đại học. Trước những thời cơ và thách thức đó, GV cần rèn luyện bản lĩnh, luôn luôn sáng tạo và không ngừng đổi mới để đem lại hiệu quả dạy học tốt nhất. Ngoài việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các GV cần phải chú trọng bồi dưỡng năng lực sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu GD-ĐT trong điều kiện kết nối toàn cầu để có thể tiếp cận những tri thức khoa học do cuộc CNCN 4.0 mang lại.

________________

Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Viết Vượng (2000). Giáo dục học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Thái Duy Tuyên (2001). Giáo dục học hiện đại (những nội dung cơ bản). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3] Trần Khánh Đức (2014). Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỉ XXI. NXB Giáo dục Việt Nam.

[4] John Vũ (2016). Giáo dục trong thời đại tri thức. NXB Lao động.

[5] Jayendrakumar N. Amin (2016). Redefining the Role of Teachers in the Digital Era. The International Journal of Indian Psychology, Vol 3, Issues 3, No 6, pp. 40-45.

[6] Đặng Quốc Bảo - Lê Thị Phương (2017). Xây dựng xã hội học tập trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạp chí Giáo dục, số 412, tr 1-3.

[7] Phan Chí Thành (2018). Cách mạng công nghiệp 4.0 - xu thế phát triển của giáo dục trực tuyến. Tạp chí Giáo dục, số 421, tr 43-46; 

Trịnh Quang Dũng - Phạm Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí Giáo dục