Học hỏi từ chính đồng nghiệp của mình
- Có ý kiến cho rằng, đội ngũ giáo viên cốt cán được xem như là "cánh tay nối dài" giữa Trường Đại học Sư phạm, giảng viên sư phạm với trường phổ thông và các giáo viên phổ thông. Điều này có đúng không, thưa bà?
- Đúng vậy, đội ngũ giáo viên cốt cán được xem như là "cánh tay nối dài" giữa Trường Đại học Sư phạm, giảng viên sư phạm với trường phổ thông và các giáo viên phổ thông. Các thầy cô cốt cán sau khi được bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp, thay vì "dạy lại" cho giáo viên đại trà, thì mỗi cốt cán sẽ hỗ trợ 10 - 30 đồng nghiệp tự bồi dưỡng các modul trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Cụ thể, giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến nội dung bồi dưỡng, hoàn thành các bài tập của khóa học.
Những hỗ trợ này cũng diễn ra thường xuyên ngay cả khi giáo viên vận dụng trong giảng dạy. Thực tế, trong quá trình hỗ trợ giáo viên đại trà, giáo viên cốt cán cùng chia sẻ kiến thức, học hỏi từ chính đồng nghiệp của mình, thu nạp kiến thức, phát triển nghề nghiệp.
- Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi các trường học phải đóng cửa thì công tác hỗ trợ của giáo viên cốt cán có gặp trở ngại gì không, thưa bà?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang vận hành mô hình bồi dưỡng mới với nhiều điểm mới mang tính đột phá, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Với việc giáo viên cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp học tập trực tuyến trên hệ thống trực tuyến LMS thì phương pháp này lại khá phù hợp trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Giáo viên có thể học mọi lúc, mọi nơi và tại chỗ. Thời điểm này, số giáo viên toàn quốc đang học trên Hệ thống học trực tuyến LMS khá lớn - hơn 500.000 người. Con số này thay đổi, tăng lên từng ngày.
Đến thời điểm này, đã có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tập huấn, bồi dưỡng modul 1,2,3. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt hỗ trợ việc tự bồi dưỡng của khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các modul bồi dưỡng theo kế hoạch năm.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung
Phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục
- Có thể thấy những lợi ích của đội ngũ giáo viên cốt cán trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả trong mô hình bồi dưỡng mới, giáo viên cần lưu ý những gì, thưa bà?
- Qua các đợt giám sát ở các địa phương, tôi thực sự cảm động trước sự nhiệt tình và đầy trách nhiệm của đa số các thầy cô cốt cán, họ thực sự là những người dẫn đường tận tụy. Họ đã hỗ trợ rất tốt cho đồng nghiệp khi mà giáo viên chủ yếu học vào các buổi tối, sau giờ lên lớp. Nhiều giáo viên cốt cán đã tạo các kênh trao đổi khác nhau như zalo, messenger, zoom… và nội dung trao đổi có khi vượt qua nội dung học tập của modul. Họ đã thực sự tạo ra những cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo - điều thiết yếu để các thầy cô cùng hỗ trợ phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, để giáo viên cốt cán thực sự phát huy hiệu quả trong mô hình bồi dưỡng mới cũng cần lưu ý 3 vấn đề. Thứ nhất, chính đội ngũ cốt cán phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong hỗ trợ bồi dưỡng. Thứ hai, mỗi giáo viên cốt cán chỉ phân công hỗ trợ tối đa 50 giáo viên chứ nhiều quá sẽ dẫn đến quá tải, không có thời gian để hỗ trợ một cách chất lượng. Thứ ba, là đội ngũ cốt cán phải có mối liên hệ chặt chẽ và trao đổi chuyên môn thường xuyên với giảng viên sư phạm chủ chốt.
- Giáo viên cốt cán vừa tự bồi dưỡng, vừa phải hỗ trợ cho đồng nghiệp, vừa phải tham gia công tác giảng dạy. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cần có chế độ tốt hơn dành cho họ. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Điều này là đúng, với mô hình bồi dưỡng mới này, giáo viên cốt cán khá vất vả vì không phải về bồi dưỡng tập trung một lần cho đại trà là xong như trước đây mà phải hỗ trợ thường xuyên cho các giáo viên được phân công. Do đó, các địa phương cần có chế độ chi trả thù lao hợp lý cho giáo viên cốt cán.
Hiện trong Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT hay trong Kế hoạch số 37/KH-BGDĐT có đưa ra các đề xuất để các Sở Giáo dục và Đào tạo làm căn cứ tính thù lao cho giáo viên cốt cán. Một số sở đã thực hiện, nhưng còn nhiều sở rất khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết việc chi trả thù lao cho giáo viên cốt cán. Hy vọng thông tư này sớm ban hành để các địa phương có căn cứ chi trả thù lao xứng đáng cho đội ngũ giáo viên cốt cán.
- Xin cảm ơn bà!
Theo daibieunhandan.vn