Chiều 4/2 (mùng 8 Tết Âm lịch), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm, chúc tết và tham dự lễ khai trường phòng truyền thống của giáo dục Việt Nam đặt tại trụ sở Bộ GD-ĐT.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của ngành GD-ĐT trong năm qua nhằm thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 29 của BCH TƯ đề ra về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng như một số thành tích đạt được.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, năm 2017, ngành giáo dục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra trong năm 2016-2017 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Bộ Giáo dục và Đào tạo bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong bài phát biểu của mình sau khi lắng nghe ý kiến của các cán bộ lão thành, cũng như cán bộ viên chức của Bộ GD-ĐT, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, ông chỉ "góp một vài suy nghĩ" của mình để cùng ngành giáo dục đưa sự nghiệp GD-ĐT phát triển như chúng ta mong muốn.

Chủ tịch nước cũng cho biết, những điều ông nói đã được các nhà khoa học cũng như phương tiện truyền thông nhắc tới nhiều lần.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, cần phải nhắc đi nhắc lại để những người làm giáo dục thấm hơn và có trách nhiệm hơn. "Mỗi người phải thấm thật sâu về những điều chúng ta đã khẳng định".

Ghi nhận những thành tích của ngành GD -ĐT trong năm qua như sự tiến bộ của chất lượng đào tạo, ban hành 2 khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 công bằng, khách quan và nhận được sự đồng thuận cao, Chủ tịch nước cũng chỉ ra 8 nhiệm vụ trọng tâm mà ông mong muốn ngành giáo dục thực hiện tốt để hoàn thành mục tiêu 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp đã đặt ra.

"Chúng ta đã thống nhất cao với các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra, bây giờ chúng ta phải hành động cho bằng được. Nói cách khác là hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ này" - Chủ tịch nước nói.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ công chức viên chức Bộ GD-ĐT

Theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ đầu tiên là phải quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo trong ngành Giáo dục và toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc.

Thứ hai, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, phát huy truyền thống tiên học lễ, hậu học văn. Giáo dục đạo đức phải gắn liền với giáo dục thể chất.

Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng người thầy phải giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thứ 5, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước.

Thứ 6, triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu. Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực.

Thứ 7, quan tâm công tác giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

Cuối cùng, Chủ tịch nước ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chung tay chăm lo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cắt băng khánh thành và tham quan Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam

Tin: Lê Văn (Báo Vietnamnet); Ảnh: Trung tâm TTGD (Bộ GD&ĐT)