Hiện nay, một số cấp
ủy và ngay cả những người làm công tác tuyên giáo còn nhận thức rất khác nhau
về công tác tuyên giáo, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa công tác tuyên giáo
với công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo với cơ quan tuyên giáo. Sự thiếu
thống nhất này gây nhiều trở ngại trong quá trình nhận thức, triển khai thực
hiện công tác tuyên giáo cũng như trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu
khoa học về công tác tuyên giáo. Muốn hiểu đúng về công tác tuyên giáo không
thể duy danh định nghĩa mà cần phải tiếp cận từ góc độ lịch sử và phương thức
lãnh đạo của một đảng cầm quyền.
Khi chưa giành được
chính quyền, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Đảng là tiến hành công tác tuyên
truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, cương lĩnh, đường lối của Đảng cho cán
bộ, đảng viên và quần chúng để tạo sự thống nhất về tư tưởng trong nội bộ Đảng;
đồng thời, giác ngộ, tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng. Thực ra, để có
cương lĩnh, đường lối đúng đắn, trước hết Đảng phải tổ chức nghiên cứu, nắm
chắc lý luận Mác - Lênin và thực tiễn Việt Nam trong từng thời kỳ, từng nhiệm
vụ. Những công việc đó thuộc về công tác lý luận, hay nói đúng hơn là công tác
nghiên cứu lý luận. Cùng với công tác nghiên cứu lý luận, Đảng phải tiến hành
công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu
biết, tin tưởng và sẵn sàng theo Đảng làm cách mạng.
Bên cạnh công tác
tuyên truyền, Đảng tiến hành công tác cổ động để cổ vũ, động viên, khích lệ,
khơi nguồn động lực để quần chúng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách,
dấn thân để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trên thực tế, tuyên
truyền và cổ động luôn đi cùng với nhau, nhưng tuyên truyền thiên về cung cấp
tri thức, thuyết phục và xây dựng niềm tin cho đối tượng, còn cổ động lại hướng
về cổ vũ, động viên, khích lệ, biến ý chí thành hành động. Vì vậy, trong nghiên
cứu khoa học người ta phân biệt tuyên truyền và cổ động là hai mặt công tác
khác nhau.
Các nhà khoa học ở
Việt Nam cũng thống nhất gọi ba công việc quan trọng đó là công tác tư tưởng và
làm rõ sự khác nhau giữa chúng bằng các công trình nghiên cứu công phu và
nghiêm túc(2). Cần lưu ý rằng, công tác tư tưởng khác với cơ quan, tổ chức làm
công tác tư tưởng. Một công tác có thể được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ
chức khác nhau và một cơ quan, tổ chức có thể làm nhiều công tác khác
nhau.
Về lý luận là như vậy,
nhưng trên thực tế các cơ quan làm công tác tư tưởng của Đảng được đặt tên khác
nhau phụ thuộc vào quan niệm và nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng ở từng
thời kỳ. Khi Đảng chưa giành được chính quyền, tuy công tác nghiên cứu lý luận
là tất yếu trong quá trình lãnh đạo cách mạng nhưng Đảng chưa có tổ chức chuyên
biệt mà chủ yếu phụ thuộc vào việc tự nghiên cứu của các đồng chí lãnh tụ.
Trong khi đó, nhiệm vụ cơ bản lúc này là tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng
viên và nhân dân hiểu rõ Cương lĩnh, đường lối cách mạng của Đảng. Vì vậy, ngay
từ khi ra đời, Đảng thành lập Bộ Tuyên truyền, sau đó đổi thành Ban Tuyên
truyền, Ban Tuyên truyền cổ động, Ban Tuyên huấn(3)... Tuy tên gọi khác nhau,
nhưng có thể hiểu đây chính là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Trung ương Đảng
về công tác tư tưởng.
Năm 1959, thuật ngữ
công tác tuyên giáo ra đời. Đây là một thuật ngữ xuất phát từ thực tiễn chứ
không phải từ kết quả nghiên cứu khoa học. Thời điểm đó, do yêu cầu tổ chức bộ
máy lãnh đạo, Trung ương Đảng quyết định hợp nhất Ban Tuyên huấn Trung ương và
Ban Văn giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Văn giáo Trung ương, gọi tắt là
Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ đây, thuật ngữ tuyên giáo ra đời và cũng từ đó
phát sinh thuật ngữ công tác tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo. Đáng chú ý, thuật
ngữ công tác tuyên giáo thời kỳ này chỉ bao gồm: công tác tư tưởng, văn hóa văn
nghệ, khoa học, giáo dục của Đảng chứ không trùng khít hoàn toàn với thuật ngữ
công tác tuyên giáo đang sử dụng hiện nay.
Năm 1968, Đảng quyết
định tách Ban Tuyên giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa
giáo Trung ương. Từ đó, thuật ngữ công tác tuyên giáo ít được sử dụng. Năm
1989, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương với
Ban Tuyên huấn Trung ương, lấy tên là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Từ
đây, trong cả lý luận và thực tiễn bắt đầu xuất hiện thuật ngữ công tác tư
tưởng - văn hóa và có những nội hàm khác nhau. Có nghiên cứu cho rằng, công tác
tư tưởng - văn hóa với công tác tư tưởng chỉ là một, nhưng muốn nhấn mạnh văn
hóa như là một phương tiện truyền tải nội dung tư tưởng hoặc văn hóa phải
gắn với tư tưởng… Tuy nhiên trên thực tế, thuật ngữ này chỉ hai mảng công
tác khác nhau trong một cơ quan của Đảng, bao gồm: công tác tư tưởng và công
tác văn hóa - văn nghệ. Năm 2007, Bộ Chính trị ra quyết định hợp nhất Ban Khoa
giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung
ương. Từ đây, thuật ngữ công tác tuyên giáo được sử dụng trở lại cho đến ngày
nay. Tuy nhiên, thuật ngữ này đã mang một nội dung mới, khác với thuật ngữ công
tác tuyên giáo ở thập niên 1960.
Để hiểu rõ thuật ngữ
công tác tuyên giáo hiện nay, cần phải thấy rõ phương thức lãnh đạo của một
đảng cầm quyền. Từ khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta lãnh đạo toàn diện các
lĩnh vực đời sống xã hội: chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo
dục, y tế, thể thao, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Sự lãnh đạo của Đảng đối
với các lĩnh vực này gọi là công tác. Ví dụ, công tác chính trị, tư tưởng; công
tác kinh tế; công tác văn hóa - văn nghệ; công tác giáo dục, khoa học… Sự lãnh
đạo của Đảng đối với các lĩnh vực này bao gồm: việc xác lập quan điểm, đường
lối về lĩnh vực đó thông qua các nghị quyết, chỉ thị; tuyên truyền, quán triệt
các nghị quyết, chỉ thị cho cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên,
quần chúng công tác trong các lĩnh vực đó; hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức đảng
cấp dưới và các cấp chính quyền, đoàn thể cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị
của Đảng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tiến hành sơ kết, tổng kết đánh
giá việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Ngoài ra, Đảng còn
thành lập các tổ chức đảng và bố trí cán bộ của mình giữ các cương vị trong các
cơ quan quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực đó, để bảo đảm cho đường lối của
Đảng được thực thi một cách nghiêm minh. Đảng muốn lãnh đạo được các lĩnh vực
rộng lớn đó, thì phải có cơ quan tham mưu, giúp việc. Đó là lý do của việc xuất
hiện các ban của Đảng có tên gần giống với tên các bộ, ngành trong cơ quan nhà
nước. Trong quá trình lãnh đạo của mình, để đảm bảo hiệu lực lãnh đạo và thực
hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, các ban tham mưu của Đảng liên tục thay đổi, lúc
nhập vào, lúc tách ra với những tên gọi rất khác nhau. Đó cũng là lý do thuật
ngữ công tác tuyên giáo có “số phận thăng trầm” như vậy. Vì thế, nếu không hiểu
được quá trình hình thành thuật ngữ tuyên giáo, sẽ rất khó định hình nội dung
của công tác tuyên giáo. Nếu cứ duy danh định nghĩa thì thuật ngữ công tác
tuyên giáo có thể được hiểu rất khác nhau (4).
Đây vừa là hoạt động
bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về lĩnh vực chính trị, tư tưởng nhưng cũng chính
là một hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đảng tiến hành công tác tư tưởng là tiến
hành nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm cơ sở khoa học để đề ra đường lối
cách mạng đúng đắn. Đảng trực tiếp và lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác
tuyên truyền, cổ động để bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong nội bộ, tạo sự
đồng thuận trong xã hội với đường lối, chủ trương của Đảng, nâng cao vị thế
Việt Nam trên trường quốc tế, đấu tranh với các tư tưởng sai trái thù địch,
v.v.. Ban tuyên giáo các cấp là cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp ủy đảng ban
hành nghị quyết, chỉ thị; hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra và sơ
kết, tổng kết việc thực hiện công tác tư tưởng của cấp ủy.
Mảng công tác thứ hai
của công tác tuyên giáo là công tác văn hóa - văn nghệ. Đây là hoạt động bảo
đảm sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ của đất nước,
không đơn thuần chỉ là sử dụng văn hóa - văn nghệ để tuyên truyền đường lối,
quan điểm của Đảng như một số người nghĩ. Dĩ nhiên, trong công tác văn hóa -
văn nghệ có bao hàm công tác tư tưởng, nhưng không đơn thuần chỉ có công tác tư
tưởng. Quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là bảo đảm cho lĩnh vực văn hóa
- văn nghệ luôn hoạt động và phát triển theo đúng quan điểm, đường lối của
Đảng.
Khoa giáo là thuật ngữ
viết tắt các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, thể thao, dân số, kế hoạch hóa
gia đình, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, an sinh xã hội…
Quốc gia nào cũng phải chăm lo phát triển giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội
theo các mục tiêu và đường hướng riêng của quốc gia đó. Việt Nam thực hiện cơ
chế một đảng cầm quyền, sự phát triển của lĩnh vực khoa giáo phải tuân thủ theo
đúng Cương lĩnh, đường lối mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định. Công tác khoa
giáo chính là hoạt động bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực nói
trên. Khác với công tác tư tưởng, Đảng vừa lãnh đạo nhưng cũng vừa là người
thực hiện, công tác văn hóa - văn nghệ và công tác khoa giáo là toàn bộ các
hoạt động bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, khoa
giáo. Trong đó, cơ quan tuyên giáo làm công tác tham mưu giúp cho cấp ủy đảng
ban hành các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, phát triển văn hóa - văn nghệ, khoa
giáo; hướng dẫn, tuyên truyền quán triệt các nghị quyết đó trong các lĩnh vực
liên quan; kiểm tra và sơ tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng; tham gia
ý kiến về bổ nhiệm, đề bạt cán bộ của Đảng trong các lĩnh vực đó; giáo dục, bồi
dưỡng văn nghệ sĩ, trí thức…
Công tác tuyên giáo và
ban tuyên giáo là hai thuật ngữ khác nhau. Công tác tuyên giáo là công tác tư
tưởng của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực văn hóa -
văn nghệ, khoa giáo. Ban tuyên giáo là cơ quan tham mưu và nghiệp vụ giúp cho
cấp ủy thực hiện sự lãnh đạo nói trên. Công tác tuyên giáo không đơn thuần chỉ
có công tác tư tưởng; đồng thời, công tác tuyên giáo cũng không làm nhiệm vụ
quản lý các lĩnh vực văn hóa - văn nghệ và khoa giáo, vì đó là công việc của
các cơ quan nhà nước. Ngoài các công việc trên, ban tuyên giáo còn có thể được
giao thêm các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cấp ủy ở từng địa phương, từng
thời kỳ. Trong cơ quan tuyên giáo có thể có nhiều bộ phận khác nhau, nhưng đều
phục vụ cho việc tham mưu, giúp cấp ủy trong các công tác tư tưởng, văn hóa-văn
nghệ và khoa giáo. Công tác tuyên giáo là tên gọi chung của nhiều mảng công tác
khác nhau, nên khó có thể đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh mang tính khoa học.
Từ sự phân tích nêu trên, bước đầu có thể quan niệm: công tác tuyên giáo là
toàn bộ các hoạt động tư tưởng của Đảng, bao gồm việc xây dựng, phát triển,
truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách
của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, bảo đảm sự
lãnh đạo vững chắc của Đảng đối với các lĩnh vực văn hóa - văn nghệ và khoa
giáo./.
Chú thích:
(1) Lương Khắc Hiếu:
Nguyên lý công tác tư tưởng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2008, t.1.
(2) Có nhiều công
trình như: Nguyên lý công tác tư tưởng của Lương Khắc Hiếu; Công tác tư tưởng
của Đào Duy Tùng; Công tác tư tưởng của Đào Duy Quát và nhiều luận án, luận
văn, bài báo về vấn đề này.
(3) Ban Tư tưởng - Văn
hóa Trung ương: Lịch sử công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam,
Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t.1, 2, 3.
(4) Công tác tuyên
giáo có thể được hiểu là công tác tuyên truyền, giáo dục; công tác tuyên huấn,
khoa giáo; công tác tư tưởng, khoa giáo…
TS. Lương Ngọc Vĩnh
________________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 5/2019