Yêu cầu với dạy học qua internet
Dự thảo đưa ra các yêu cầu cụ thể với dạy học qua internet về hạ tầng kỹ thuật, học liệu; tổ chức hoạt động dạy học. Trong đó, học liệu được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), bao gồm sách giáo khoa, bài giảng, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS); bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ, phù hợp với đối tượng HS; được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng.
Về tổ chức hoạt động dạy học, các cơ sở giáo dục cần tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình GDPT đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên (GV) xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học qua internet theo kế hoạch của nhà trường. Cơ sở giáo dục phê duyệt nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua internet; phối hợp với gia đình trong việc tổ chức dạy học qua internet; bảo đảm yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua internet của GV và HS nhà trường.
Với GV, phải có kỹ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ để tổ chức dạy học qua internet. GV tổ chức hoạt động học cho HS gồm: giao nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ, trao đổi, thảo luận giữa HS với nhau và giữa HS với GV.
Yêu cầu với cán bộ kỹ thuật là có kỹ năng về quản trị kỹ thuật hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ GV tổ chức dạy học; sử dụng các công cụ thông tin để hỗ trợ cả GV và HS khi cần thiết.
Đối với HS, các em được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng ứng dụng hoặc dịch vụ trên internet học tập trước khi tham gia khóa học. HS phải thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của GV; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá.
Với gia đình, có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập của HS khi HS học tập tại nhà; phối hợp, hướng dẫn HS hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho GV để kiểm tra, đánh giá.
Yêu cầu với dạy học trên truyền hình
"Để tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Sở GD&ĐT chia sẻ các bài giảng đã dạy học trên truyền hình địa phương để Bộ GD&ĐT lựa chọn, phát lại trên các kênh của Đài truyền hình Việt Nam để các cơ sở giáo dục tổ chức cho HS học tập" - PGS Nguyễn Xuân Thành.
Với dạy học trên truyền hình, Dự thảo đưa ra những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, yêu cầu về bài học và việc tổ chức hoạt động học. Trong đó, bài học trên truyền hình do GV có kinh nghiệm, được nhà trường lựa chọn ghi hình bài giảng theo chương trình giáo dục đã được tinh giản Bộ GD&ĐT hướng dẫn. Học liệu sử dụng trong dạy học bao gồm: sách giáo khoa, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Bài học bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ, phù hợp với đối tượng HS; được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng.
Về tổ chức hoạt động dạy học, cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể của từng lớp học, môn học, bài học theo lịch phát sóng trên các kênh truyền hình. Đồng thời, chỉ đạo tổ chuyên môn phân công, giao nhiệm vụ cho GV phụ trách môn học theo lớp học xây dựng kế hoạch bài học để tổ chức, hướng dẫn HS học tập theo các bài học được phát sóng trên truyền hình.
Cơ sở giáo dục thông báo thời khóa biểu theo lịch phát sóng bài học trên các kênh truyền hình cho GV, HS, gia đình HS để phối hợp tổ chức cho HS theo học các bài học trên truyền hình. Quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của HS trong việc tổ chức dạy học trên truyền hình.
Với GV, cần xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn HS học theo các bài học được phát trên truyền hình, bao gồm tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho HS; câu hỏi, bài tập kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS theo nội dung bài học trên truyền hình. Gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho HS theo các bài học trước khi bài học được phát trên truyền hình; liên hệ với gia đình để phối hợp tổ chức, hướng dẫn, giám sát HS theo học các bài học phát trên truyền hình.
GV tiếp nhận báo cáo kết quả học tập của HS qua truyền hình theo nhiệm vụ học tập đã giao cho HS; nhận xét, đánh giá kết quả học tập của HS thông qua báo cáo kết quả học tập nhận được. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua truyền hình khi HS đi học trở lại; tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức còn hạn chế cho HS trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
HS cần được hướng dẫn đầy đủ về nhiệm vụ học tập trước khi theo học các bài học được phát trên truyền hình. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập trước, trong và sau khi theo học các bài học được phát trên truyền hình; nộp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập theo bài học trên truyền hình cho GV để được nhận xét, đánh giá.
Đối với cha mẹ HS cần liên lạc với GV và hỗ trợ HS tiếp nhận nhiệm vụ học tập, tài liệu hướng dẫn học theo bài học trên truyền hình; giám sát, hỗ trợ HS thực hiện các bài học trên truyền hình tại gia đình. Hỗ trợ HS hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao; gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập theo bài học trên truyền hình cho GV để được nhận xét, đánh giá.
Chỉ công nhận kết quả đánh giá thường xuyên
Theo Dự thảo, về đánh giá thường xuyên, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, GV phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ học tập cho HS; tổ chức, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS thông qua việc quan sát các hoạt động học; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở, hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. GV có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.
Kết quả đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được công nhận theo quy định hiện hành.
Cơ sở GDPT theo dõi, quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS qua internet, trên truyền hình bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực, vì quyền lợi của HS.
Với đánh giá định kỳ và cuối kỳ: Khi HS đi học trở lại, cơ sở GDPT tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức với những HS còn hạn chế trong việc học qua internet, trên truyền hình. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ, cuối kỳ được thực hiện tại nhà trường khi HS đi học trở lại theo quy định hiện hành.
Hải Bình