Mỗi điều Hồ Chí Minh trăn trở, dặn lại trong Di chúc đều chứa chan tấm lòng một hiền nhân đối với con người, với thiên nhiên, với quê hương đất nước, phản ánh tư tưởng, tình cảm, đạo đức và tâm hồn một người con ưu tú của dân tộc Việt; hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn của người dân Việt; hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết, bình dị mà vĩ đại, dân tộc mà thời đại. Đó là di sản bất hủ, đậm đà cốt cách dân tộc Việt và thời đại, “là sự thức tỉnh của nhân tâm, của trí tuệ, của dũng khí” Hồ Chí Minh gửi lại cho các thế hệ mai sau. Cuộc đời Người, với những gì Người đã đi, đã đến và chiến thắng; với tất cả những gì Người đã làm, đã mẫu mực nêu gương và để lại, có lý và đượm tình thương yêu sẽ sống mãi qua các thời đại.

Trong lịch sử hiện đại và trong số các vị lãnh tụ cách mạng trên thế giới, Hồ Chí Minh là một người đặc biệt. Tận tâm, tận lực phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân loại cần lao, khi mất đi, Hồ Chí Minh không phải là một kỷ niệm của quá khứ, Người sống mãi. Người cùng những cống hiến và phẩm cách cao quý của mình gắn liền với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa của loài người mà đỉnh cao là học thuyết Mác-Lênin - ánh sáng tư tưởng của thời đại trở nên diệu kỳ trong ký ức tất cả mọi thời đại. Những người yêu chuộng tự do, hoà bình trên thế giới đều gọi Hồ Chí Minh trân trọng, thân thiết và giản dị là Bác Hồ! 

LỜI DẶN TÂM HUYẾT MANG ĐẬM CỐT CÁCH MỘT VĨ NHÂN

Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX đã yên nghỉ gần 50 năm, song di sản tư tưởng, tinh thần lớn lao hàm chứa trong từng trước tác của Người vẫn đang cùng dân tộc Việt Nam đồng hành trong những thiên niên kỷ mới. Một trong số những di sản đó chính là lời dặn lại đầy tâm huyết, tiếng nói khiêm nhường của một người cộng sản, thấm đẫm chất nhân văn, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và thời đại có giá trị vượt không gian và thời gian - Bản Di chúc lịch sử. Dù đã đi xa, nhưng cùng với thời gian, di sản tư tưởng của Người và bản Di chúc đậm đức hiếu sinh vẫn đồng hành cùng “hiện nay và mai sau, không chỉ là của riêng nhân dân Việt Nam, mà còn dành cho tất cả các dân tộc, các Đảng đấu tranh về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, dù ở châu Á, châu Âu hoặc bất cứ nơi nào trên các lục địa”[1].

Tài liệu tuyệt đối bí mật” được Hồ Chí Minh khởi thảo tại Hà Nội, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người (5/1965). Trong những năm tiếp sau đó, cũng vào dịp kỷ niệm ngày sinh, Người lại đọc, suy ngẫm, trăn trở để chỉnh sửa, bổ sung vào những “lời dặn lại” đặc biệt của mình, cho đến khi trái tim ngừng đập vĩnh viễn vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969.

Là người không chỉ suốt đời tận tuỵ, hy sinh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, Hồ Chí Minh còn mang theo khát vọng về một đất nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh cùng một thế giới hạnh phúc cho con người vào cõi vĩnh hằng. Chuẩn bị cho chuyến đi xa vĩnh viễn của mình, một Hồ Chí Minh khi còn anh minh, tỉnh táo đã dành mỗi ngày khoảng từ 1 đến 2 giờ của những ngày tháng 5 đẹp trời (từ năm 1965 đến năm 1969) để viết “Tài liệu liệu tuyệt đối bí mật” gửi lại cho mai sau. Cũng trong những năm cuối của đời mình, một Hồ Chí Minh giữa bộn bề công việc, đang bận lòng với nỗi đau của chiến tranh đã xót xa một nỗi đau chôn vùi trong lòng đất mẹ; đã về thăm tiền nhân, tưởng nhớ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, giữa những ngày miền Bắc đang chống chọi cùng mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ xâm lược(1965). Thăm đền thờ, dừng lại hồi lâu đọc những dòng chữ trên văn bia, leo lên Thạch Bàn,…vị lãnh tụ - người đầy tớ trung thành của nhân dân dường như đã lường trước được quy luật khắc nghiệt của tạo hoá. Tự ý thức một cách tích cực về bản thân mình, với phong cách ung dung, tự tại vốn bắt nguồn từ chỗ nắm được quy luật vận động của cuộc đời, biết rõ điều gì ắt sẽ qua đi, điều gì ắt sẽ đến và điều gì là trường tồn phải còn mãi, Hồ Chí Minh đã theo gương của tiền nhân, “theo đức hiếu sinh để toàn vẹn cho sự sống còn của nhân dân” viết những lời dặn cuối để lại cho hậu thế. 

Mỗi khi lật giở lại những trang bản thảo, những bút tích chỉnh sửa, bổ sung của Người trong bản Di chúc thiêng liêng như một Cương lĩnh hành động ngày nào, dường như vẫn thấy một Hồ Chí Minh đang cẩn trọng, cân nhắc từng ý, từng việc, để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần phải dặn lại. Đó là những vấn đề quan trọng, cần thiết phải làm, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của một Đảng cầm quyền; đồng thời đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung, vì độc lập dân tộc và những tiến bộ xã hội. Đó cũng chính là những dòng chữ cuối cùng của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn, người chiến sĩ quốc tế nặng lòng vì Đảng, vì dân, vì tình đoàn kết giữa các Đảng anh em và các dân tộc đang đấu tranh cho hòa bình, công lý.

Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho “một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài” mà hiến dâng cuộc đời mình cho cuộc chiến đấu vì phẩm giá và quyền của con người, cho sự giải phóng hoàn toàn. Trong tư tưởng và tình cảm của Người, nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý, nhân dân tiến bộ thế giới là anh em của nhau: “Tất cả những người có lương tri trên thế giới đều nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc - “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh - “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ - “Vị Chủ tịch kính mến”[2]. Vì vậy, Người và Di chúc của Người tuy kết tinh tư tưởng, văn hoá, tâm hồn, đạo đức Việt, song “vẫn thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc”[3], nhằm thực hiện khát vọng làm người cao cả nhất.

CƯƠNG LĨNH TÁI THIẾT ĐẤT NƯỚC SAU CHIẾN TRANH 

Thâu thái những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại, Hồ Chí Minh luôn cởi mở tiếp thu để làm giàu vốn tri thức của bản thân mình. Người không chỉ trở thành “một nhà tiên tri châu Á báo trước công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức”, khổ đau mà Người còn nhìn thấy và dặn lại trước những công việc cần thiết phải thực hiện để xây dựng lại một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai.

Trong Di chúc, khát vọng và niềm tin tất thắng của lãnh tụ Hồ Chí Minh về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp hoà bình thế giới dồn nén, chứa chất chỉ trong mấy lời; và niềm tin đó không phải chỉ được nhắc một lần. Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[4] và dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người nhưng “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”, “đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà”. Theo Người, thắng lợi đó của dân tộc ta là vinh dự, vì “đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Tiếp đó, với phép xử thế của một nhà văn hoá lớn, là biểu tượng kết tinh truyền thống lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt có hàng ngàn năm văn hiến, Hồ Chí Minh “có ý định đến ngày đó” sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào, chiến sĩ cả nước và thay mặt nhân dân Việt Nam “đi thăm và cảm ơn” bè bạn quốc tế đã “tận tình ủng hộ và giúp đỡ” cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Tuy nhiên, là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, bằng dự cảm của riêng mình, Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với sự trưởng thành ngày càng vững mạnh của Đảng - đội tiền phong của giai cấp và của dân tộc Việt Nam, nên đã dành những điều “trước hết nói về Đảng” và yêu cầu “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Ghi nhận nguồn sức mạnh nội lực làm nên sức mạnh của Đảng chính là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Người và tất cả mỗi người cán bộ, đảng viên của Đảng đều nhận thức được rằng: đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết và đoàn kết làm nên sức mạnh và thành công, nên đã luôn cố gắng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tuy nhiên, cũng đã có những thời điểm, những cán bộ, đảng viên ở cả Trung ương và địa phương đã vì nhiều lý do khác nhau mà quên đi lý tưởng và lời thề cộng sản, xa rời đạo đức cách mạng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến phá hoại khối đoàn kết “muôn người như một” của Đảng. Vì vậy, để thống nhất trong tư tưởng và hành động, Người nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[5]; đồng thời, yêu cầu “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó không chỉ là nhiệm vụ trọng yếu, là yêu cầu bức thiết của Đảng cầm quyền trước mỗi bước chuyển của cách mạng mà còn là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, để Đảng trong sạch, khoẻ mạnh, để “dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Những lời dặn thiết tha, đậm chất nhân văn trong Di chúc chứa đựng những giá trị tư tưởng, tinh thần cao quý của cuộc đời Hồ Chí Minh, từ cuộc đời Hồ Chí Minh. Theo Người, dù đã có những đóng góp nhất định, song để thật sự trong sạch, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và thanh niên phải hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, phải thấm nhuần và nâng cao “đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; và vượt lên hết thảy là phải sống với nhau có tình, có nghĩa, có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Cũng theo Hồ Chí Minh, để rời xa những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, để làm mực thước cho dân, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng mácxit, nhất là phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tiến hành tự phê bình và phê bình...

Song cũng theo Người, tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở “tình đồng chí” thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, làm cho điều thiện sinh sôi, điều ác thui chột, để mỗi người tiến bộ và vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách. Đó không phải không phải đập cho tơi bời, hả giận mà là có lý, có tình, chân thành, thẳng thắn, là văn hoá Đảng, là bản chất tâm hồn và đạo đức dân tộc Việt mà Hồ Chí Minh mong mỏi và gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Sau những điều tâm huyết về Đảng, người cộng sản đầy kinh nghiệm Hồ Chí Minh đã nhắc đến việc chăm lo lực lượng kế cận của cách mạng. Người dành những dòng thiết tha cho thế hệ trẻ, khen ngợi đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, v.v..đã đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp cách mạng và yêu cầu, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo Người, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết [6], bởi không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức và có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như Lênin từng khẳng định.

Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng trở về với con người. Bởi lẽ vậy, như một lẽ tự nhiên, trong những lời để lại, Người đặc biệt quan tâm đến con người và những “công việc với con người”. Người cũng chỉ rõ, khi đất nước đã trải qua những năm dài chiến tranh, việc hàn gắn những vết thương của thời hậu chiến là công việc đầy nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang, nên Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động ở miền núi cũng như miền xuôi. Những đề nghị của Người về miễn thuế nông nghiệp 1 năm, để “đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”; về xây dựng lại thành phố, làng mạc; về xây dựng những vườn hoa, bia tưởng niệm các liệt sĩ, “để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”, v.v.. thực sự thiết thực, cụ thể, đầy tính nhân văn. 

Một Hồ Chí Minh đầy bao dung và nhân ái, tràn đầy lòng thương yêu đối với nhân dân và nhân loại cần lao đã dành tình thương yêu của mình cho hết thảy mọi người. Đó là những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; những liệt sĩ, cha mẹ vợ con của thương binh, liệt sĩ; những chiến sĩ trẻ, những phụ nữ, những thanh niên xung phong,v.v.. Với họ, Người mong mỏi Đảng và các cấp chính quyền chăm lo, tạo điều kiện giúp họ được sống yên ổn, có công việc làm ăn thích hợp, để góp sức mình cho công cuộc xây dựng lại đất nước. Còn đối với những con người từng lầm lỗi, lạc đường hoặc là nạn nhân của chế độ cũ (như trộm cấp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v..), Hồ Chí Minh tâm niệm, dù là ai, họ cũng mang dòng máu Việt, cũng có cùng nguồn cội, nên lấy lòng nhân, khoan dung độ lượng, hướng về lẽ phải chân chính mong mỏi “cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”...

Những điều Hồ Chí Minh dặn lại thể hiện rõ chính sách an sinh xã hội nhân văn "không bỏ ai ở lại phía sau" đối với thương binh, liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của họ; đối với phụ nữ, thanh niên, nông dân, đồng bào miền xuôi cũng như miền núi; đối với những nạn nhân của chế độ cũ... Tất cả không ngoài mục đích mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh xâm lược, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhấn mạnh rằng, đây là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp, khó khăn và cũng "là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi" nên Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”...

Như một Cương lĩnh hành động của một Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ cách mạng được giao phó, những chỉ dẫn của Người trong “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - không mang tính áp đặt, những vẫn được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đồng tâm, đồng lòng thực hiện. Bởi rằng, đối với một Đảng cầm quyền, việc quan tâm đến những lợi ích thiết thực hàng ngày của mỗi người dân, cổ vũ họ, chia sẻ với họ, cũng chính là chăm lo đến quyền con người, phát huy quyền làm người của mỗi người. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng, động lực để thực hiện khát vọng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là nhân dân lao động. Lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau của Người trong Di chúc dành lại cho muôn đời con cháu mai sau thể hiện sự quan tâm của Người đến lợi ích của từng con người và lợi ích của cả cộng đồng. Đó cũng chính là sự biểu đạt đặc sắc của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, của nhà văn hoá lớn Hồ Chí Minh, suốt đời không mang danh lợi, chỉ khôn nguôi một hoài bão: Độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào.

LỜI DẶN KHIÊM NHƯỜNG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN 

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, Người còn “là một nhà cách mạng trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản và đã đóng góp to lớn vào sự đoàn kết các nước xã hội chủ nghĩa, vào việc củng cố và phát triển phong trào cộng sản”[7]. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản Việt Nam mẫu mực, Người còn là người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thuỷ chung, luôn quan tâm đến sự phát triển chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Khơ rútxốp trong hồi ký của mình từng viết: Hồ Chí Minh là “vị thiên sứ cách mạng”, là “vị thánh cộng sản”, bởi những hoạt động không mệt mỏi của Người cho phong trào cộng sản quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên, trong Di chúc, khi viết về phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em”[8]. Người chiến sĩ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng thế giới. Người đã từng nhiều lần cảnh báo sự không quan tâm đúng mức về mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa với phong trào cách mạng vô sản ở chính quốc tại các diễn đàn quốc tế; Người cũng từng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình, hết lòng hàn gắn những mâu thuẫn trong phe xã hội chủ nghĩa, bởi Người nhận thức sâu sắc rằng: Mối bất hoà, mâu thuẫn Xô - Trung và sự rạn nứt trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là một tổn thất to lớn của sự nghiệp cách mạng thế giới. Theo Người, những bất đồng, chia rẽ đó không chỉ làm giảm đi nguồn sức mạnh của sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người mà còn chia rẽ khối đoàn kết, nhất trí của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới; đồng thời, tạo điều kiện để đế quốc Mỹ lợi dụng tình hình, mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương và sự không thống nhất trong hành động ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Do đó, trước khi đi xa, Hồ Chí Minh đã rất đau lòng trước những tồn tại đang diễn ra trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Và cũng biết rằng mình không thể tiếp tục làm vị “thiên sứ cách mạng”, Hồ Chí Minh đã gửi những ưu phiền vào Di chúc và mong ước: đó là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, để “góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết” quý báu giữa các đảng anh em. Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả đó, “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”[9].

Khiêm nhường trong vị thế một nguyên thủ quốc gia, một Hồ Chí Minh cũng rất giản dị trên cương vị một lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Bao giờ và ở đâu, cũng vẫn ngời sáng một Hồ Chí Minh - tấm gương mẫu mực của đạo đức cách mạng, của tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phút cuối của đời mình, sau khi dành tâm tư, tình cảm cho Đảng, cho dân, cho phong trào cách mạng thế giới, ung dung và thư thái, Người để lại mấy dòng cuối cùng trong Di chúc để viết về việc riêng của mình.

Trước Hồ Chí Minh, lịch sử thế giới đã có nhiều bản Di chúc. Nhà khoa học Noben của Thụy Điển trước khi từ giã cõi đời di chúc lại: Toàn bộ tài sản của ông sẽ được gửi vào nhà băng quốc tế. Số tiền lãi dành tặng thưởng cho những cá nhân có đóng góp cho hoà bình và sự tiến bộ của nhân loại. Nhà thơ Ba Lan Ađam Mắcxkiêvích mong muốn, quả tim dù đã ngừng đập của ông sẽ được đưa về Thủ đô Vácxava, với mong ước giản dị: để nó được sống mãi cùng nhịp đập của hàng triệu triệu trái tim người dân Ba Lan. Vua Lý Nhân Tông - một anh quân thời Lý, vốn sống kiệm ước, khi sắp mất cũng có lời di chúc thật khiêm nhường: Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên vui, làm sao khi chết đi lại để cho nhân dân mình mặc sơ gai, sớm tối khóc than,…vì vậy, việc an táng cần phải tiết kiệm, không xây lăng mộ riêng, nên chôn ngay cạnh Tiên đế.

Một Hồ Chí Minh suốt đời yêu thương nhân dân, vốn giản dị, rất “sáng mà không chói”, khi ra đi, tiếc nuối lớn nhất của Người là “suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[10]. Vì vậy, Người mong “chớ nên tổ chức linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và yêu cầu được hoả táng. Sau đó ba phần tro cốt của Người để vào 3 hộp sành, như tình yêu thương tha thiết của Người dành cho đồng bào ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam...

Sau Hồ Chí Minh, một trong những người bạn thân thiết của Người, nguyên Thủ tướng Chu Ân Lai trước khi vĩnh biệt thế giới đã dặn lại rằng: Khi mất đi, ông muốn được hoả táng. Tư tưởng và tình cảm ông dành cho đất nước, nên mong muốn tro cốt của mình sẽ được nhồi vào đại bác, bắn đi bốn phương tám hướng, để ông được sống cùng non nước Trung Hoa rộng lớn. Và Đức Giáo hoàng John Paul II, trong di chúc của mình cũng dặn lại: Ta không có sản vật gì lưu lại…và xin được “chôn táng dưới đất, chứ không phải trong thạch mộ nổi”...

Vậy là, dù sinh ra ở những hoàn cảnh, thời điểm khác nhau, làm những công việc khác nhau, nhưng giữa họ đều có một điểm chung nhất, đó chính là tư tưởng, tình cảm và tấm lòng của những người con luôn hướng về quê hương đất nước, về con người, hướng về những điều tốt đẹp, thức tỉnh mọi tâm hồn. Với ý nghĩa đó, những điều Hồ Chí Minh dặn lại trong Di chúc chứa đựng giá trị tư tưởng và tinh thần, kết tinh từ cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của một con người “đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống”. Tư tưởng và tình cảm đó không chỉ mang lại sự đổi đời cho một dân tộc Việt Nam mà còn đem lại niềm tin tưởng mãnh liệt và khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp cho tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do, công lý trên toàn thế giới và vì thế, “Di chúc của Người đặc biệt có ý nghĩa đối với các lực lượng cách mạng và toàn thế giới tiến bộ”[11].

Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất, song Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần. Dùng những ngôn từ giản dị nhất để biểu đạt cái lớn lao của tư tưởng, Di chúc của Hồ Chí Minh “là một áng văn tuyệt bút” không dài, là những lời cuối súc tích, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và thời đại, hội tụ trong đó hoài bão và tình cảm của một nhà văn hoá lớn. Phản ánh tâm hồn một nhà cách mạng nhân đạo; trí tuệ, tư tưởng của một nhà hoạt động cách mạng phi thường; lòng vô tư tuyệt đối, tình yêu của Người đối với cuộc đời, với nhân dân, với thiên nhiên trong Di chúc không có gì so sánh nổi. Và dường như lời cuối của một con người biết nói lên những lời cần nói ở vào những thời khắc lịch sử quan trọng - những lời nói giản dị, đúng mức, không văn hoa nhưng khắc sâu vào trái tim, khối óc của từng người, diễn đạt điều mà mọi người cảm thấy sâu xa nhất trong lòng mình nhưng chưa diễn đạt được đều hội tụ trong bản Di chúc lịch sử của Hồ Chí Minh.

Mỗi điều Hồ Chí Minh trăn trở, dặn lại trong Di chúc đều chứa chan tấm lòng một hiền nhân đối với con người, với thiên nhiên, với quê hương đất nước, phản ánh tư tưởng, tình cảm, đạo đức và tâm hồn một người con ưu tú của dân tộc Việt; hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn của người dân Việt; hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết, bình dị mà vĩ đại, dân tộc mà thời đại. Đó là di sản bất hủ, đậm đà cốt cách dân tộc Việt, “là sự thức tỉnh của nhân tâm, của trí tuệ, của dũng khí” Hồ Chí Minh gửi lại cho các thế hệ mai sau. Cuộc đời Người, với những gì Người đã đi, đã đến và chiến thắng; với tất cả những gì Người đã làm, đã mẫu mực nêu gương và để lại, có lý và đượm tình thương yêu sẽ sống mãi qua các thời đại.

Dù Người đã đi xa, song trên các trang của lịch sử, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh vẫn sẽ vinh quang chói lọi như sao Bắc đẩu. Mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi con người, hướng dẫn loài người đi đến một tương lai tốt đẹp hơn, Hồ Chí Minh và tình thương yêu vô bờ bến của Người trong bản Di chúc gửi lại “tiếp tục là nguồn cảm hứng” cho hậu thế, để mỗi dân tộc, mỗi cuộc đời, mỗi con người sẽ “không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước”[12].

Tư tưởng của Người trong Di chúc đã và đang soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới, hội nhập của nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là những chỉ dẫn ở tầm chiến lược cho sự xác định phương hướng, đường lối, nhiệm vụ, chính sách, hệ thống pháp luật của một Đảng cầm quyền; để xây dựng và chỉnh đốn Đảng; để đổi mới và phát triển; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,v.v.. để xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là những phác thảo trong chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để kiến tạo đất nước phát triển bền vững và hiện đại.

Thực hiện Di chúc của Người, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà; cả nước đã cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Một đất nước Việt Nam hồi sinh sau những năm dài chiến tranh đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; đã làm hết sức mình vì sự đoàn kết, lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế; đã chủ động hội nhập quốc tế và ngày càng khẳng định uy tín, vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

TS. Văn Thị Thanh Mai

Ban Tuyên giáo Trung ương

----------

[1] Báo Tự do nhân dân: Xã luận, Buđapét, ngày 11/9/1969

[2], [3], [7], [12] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H,1990, tr.55, 42, 115, 54

[4] [5], [6], [8],[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.15, tr.621,622, 622, 623, 623

[9] Báo Quyền lợi đỏ, Praha, ngày 9/9/1989

[11] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, H, 1971, t.III, tr.67