Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã và đang từng bước tạo nền móng vững chắc, những nền tảng đầu tiên nâng bước chân trẻ vào đời. Đây được xem là mô hình giáo dục mang giá trị nhân văn vừa mang giá trị tinh thần khoa học vô cùng to lớn. Vì vậy việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng chương trình lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong nhà trường là yêu cầu cần thiết. Theo Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền: “Chương trình giáo dục mầm non tốt là một chương trình lấy trẻ làm trung tâm. Có nghĩa là nó được xây dựng dựa trên hứng thú, nhu cầu, kinh nghiệm và khả năng của trẻ. Chương trình này sẽ tạo cơ hội cho trẻ được phát triển toàn diện, không chỉ chú trọng tới sự phát triển trí tuệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển thể chất và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.”

Một môi trường giáo dục tích cực, sáng tạo, giao tiếp cởi mở thân thiện giữa giáo viên với trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với phụ huynh và môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ hình thành nền tảng nhân cách tốt. Một chương trình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm sẽ hướng đến cá thể hóa chương trình học, phù hợp với tâm sinh lí và năng lực từng đứa trẻ. Một hoạt động tổ chức lấy trẻ làm trung tâm sẽ khơi gợi khả năng, hứng thú và sự tích cực khám phá, tìm hiểu, ham hiểu biết cho mỗi đứa trẻ. Một ngôi trường lấy trẻ làm trung tâm thì đó chính là ngôi trường hạnh phúc!

Hiểu được vai trò và ý nghĩa quan trong của chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đồng thời thực hiện theo sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh trong việc xây dựng và thực hiện chuyên đề. Cấp học Mầm non Trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh đã sớm xây dựng và thực hiện các giải pháp thực hiện chuyên đề cụ thể như sau:

1. Xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề chung từ năm 2016 đến 2020 và các kế hoạch chi tiết cho từng năm học.

2. Cải tạo, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học, khuôn viên sân chơi theo tình thần tăng cường yếu tố trải nghiệm, vui chơi với các hình thức cá nhân, nhóm nhỏ và tập thể.

3. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của giáo viên về chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” thông qua các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, hoạt động mẫu, cung cấp tài liệu liên quan, viết SKKN về chuyên đề.

4. Xây dựng chương trình giáo dục với nhiều hoạt động mở, vui chơi, trải nghiệm. Chú trọng các hoạt động rèn luyện cho trẻ kĩ năng sống, tình cảm xã hội.

5. Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo hướng tiếp cận phương pháp “học bằng chơi”. Các hoạt động giáo dục mà ở đó trẻ là trung tâm, trẻ tự quan sát, tìm hiều, khám phá, trải nghiệm và tư duy, giáo viên chỉ là người chỉ dẫn và hỗ trợ trẻ trong các hoạt động; giờ học của trẻ chủ yếu xâu chuỗi các trò chơi có tính liên kết, nên trẻ học thông qua chơi một cách nhẹ nhàng, hứng thú, phù hợp với tâm sinh lí của trẻ. Trong các hoạt động trẻ được khuyến khích trình bày ý kiến cá nhân, được nhận xét, đánh giá về đối tượng bằng suy nghĩ, nhận định riêng.

6. Tăng cường xây dựng, tổ chức các chương trình lễ hội, chương trình tham quan theo hình thức trẻ được trực tiếp trải nghiệm, vui chơi, khám phá và bộc lộ, thể hiện, trình diễn những kĩ năng, năng lực của bản thân.

7. Phối kết hợp với cha mẹ trẻ trong việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Tuyên truyền với cha mẹ trẻ về chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và hướng dẫn cho cha mẹ trẻ những nội dung, thông tin cần thiết về việc phối kết họp giữa gia đình và nhà trường trong việc thực hiện chuyên đề.

Các giải pháp nêu trên đã được Nhà trường triển khai theo từng năm học cụ thể, đồng bộ và hết sức linh hoạt. Chính điều đó, đã mang lại cho Trường nhiều hiệu quả tích cực trong quá trình xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” như sau:

1. Đối với Trường:

- Khuôn viên nhà trường được mở rộng thêm, sân chơi có diện tích lớn, thoáng mát, nhiều khu vực trải nghiệm với cát, nước, vườn rau, vườn hoa; nhiều trò chơi, bài tập vận động và các bài tập chơi mà học rất thú vị đảm bảo nhu cầu vui chơi, khám phá, trải nghiệm của trẻ ngoài sân trường. Đồ chơi ngoài sân trường được bổ sung, thay thế, nhiều đồ chơi mới hấp dẫn trẻ đến trường, đặc biệt trường có khu vực và thiết bị tập gym giúp trẻ hứng thú và tăng cường vận động.

- Trường đã xây dựng và tạo dựng môi trường giao tiếp giữa trẻ với trẻ, giữa cô với trẻ, giữa phụ huynh với trẻ và giáo viên, giữa đồng nghiệp với nhau và giữa khách với cán bộ giáo viên trong trường một cách thân thiện, cởi mở. Kênh kết nối thông tin giữa phụ huynh với Nhà trường là kênh kết nối mở tạo điều kiện cho phụ huynh được bảy tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình với giáo viên và Ban giám hiệu về các hoạt động trong nhà trường. Bên cạnh đó, hằng năm, Trường còn tổ chức lấy ý kiến đánh giá của phụ huynh về các hoạt động của nhà trường theo phiếu lấy kiến, hoạt động này được tổ chức đại trà, 1 năm 2 lần và tổng hợp các ý kiến một cách minh bạch, công khai thông tin để phụ huynh được biết và theo dõi. Những ý kiến phản hồi, góp ý đúng đắn luôn được Nhà trường chú trọng và thay đổi kịp thời từ đó tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa phụ huynh và nhà trường trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Chính môi trường giao tiếp chuẩn mực, cởi mở đã làm cho phụ huynh yên tâm khi gửi con em vào trường và trẻ luôn cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Nhà trường thực sự là ngôi trường hạnh phúc của trẻ.

- Chất lượng các hoạt động chuyên môn tốt, sáng tạo, đột phá và hiệu quả cao.

- Việc triển khai và thực hiện tốt các giải pháp thực hiện chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã giúp cho trường ngày càng phát triển, lớn mạnh về quy mô, số lượng trẻ và luôn được phụ huynh tin yêu.

2. Đối với giáo viên:

- Có thêm nhiều kiến thức về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng môi trường, tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

- Giáo viên chủ động, linh hoạt và hết sức sáng tạo khi tổ chức các hoạt động lấy trẻ làm trung tâm. Các hoạt động được tổ chức hướng đến các cá nhân trẻ, khơi gợi, thúc đẩy hứng thú, ham hiểu biết, thích tìm tòi khám phả ở trẻ. Giáo viên thường xuyên đưa ra các phương pháp dạy học, hoạt động ở các góc theo hướng mở, tăng cường trải nghiệm, các hoạt động luôn lấy trẻ làm trung tâm, gần gũi trẻ, giao tiếp nhiều với trẻ để tìm hiểu về đặc điểm và những hạn chế của trẻ trong mọi hoạt động để giúp các con tiến bộ hơn.

- Giáo viên đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, biết vận dụng các biện pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm một cách linh hoạt và đạt được hiệu quả tốt hơn trên trẻ.

- Thông qua việc thực hiện chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” năng lực của giáo viên được bồi dưỡng và nâng cao một cách đồng đều có chất lượng và thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả.

- Giáo viên tạo được niềm tin với phụ huynh vì sự tiến bộ rõ nét của con họ theo từng ngày.

3. Đối với trẻ:

- Trẻ là trung tâm các hoạt động của Nhà trường, giáo viên tôn trọng và coi trọng trẻ. Trẻ được Nhà trường, giáo viên quan tâm đến từng đặc điểm tâm, sinh lí cụ thể để nắm bắt được khả năng, năng lực, nhận thức của trẻ từ đó có những phương pháp tác động và dạy học tích cực đối với từng cá thể trẻ.

- Trẻ được học thông qua chơi một cách nhẹ nhàng, hoạt động chơi chính là hoạt động chủ đạo của trẻ, yếu tố chơi được tăng cường nhiều trong các hoạt động của trẻ ở trường mầm non.

- Trong hoạt động, trẻ chủ động, tích cực tham gia hoạt động nhóm, trẻ thích được giải quyết các hệ thống câu hỏi cô đưa ra theo suy nghĩ của bản thân, trẻ không bị áp đặt gò bó theo một mô típ, trẻ trình bày, thể hiện rõ ý kiến khả năng năng lực của mình. Ngoài ra trẻ còn được thể hiện mình như những nhà khoa học thực thụ để khám phá và lý giải được các câu hỏi vì sao.

- Trẻ được chú trọng xây dựng và phát triển ngôn ngữ tốt, trẻ có vốn từ phong phú hơn, sử dụng vốn từ đó vào trong giao tiếp của mình. Trẻ diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, biết thể hiện cảm xúc bằng lời nói cũng như cử chỉ, nét mặt.

- Trẻ tự tin, mạnh dạn khi đứng trước đám đông, trẻ được bộc lộ khả năng năng khiếu của bản thân. Khi gặp những tình huống bất ngờ, khó xử lý trẻ bình tĩnh và giải quyết hợp lý.

- Những trẻ hạn chế về kĩ năng, nhận thức, ngôn ngữ luôn được Nhà trường, giáo viên lưu ý, quan tâm, củng cố và bồi dưỡng cho trẻ theo từng ngày với những nội dung cụ thể sát với đặc điểm của từng trẻ. Hầu hết các bé đều có sự tiến bộ rõ nét theo thời gian và được phụ huynh tin tưởng, ghi nhận.

- Khi trẻ được tôn trọng, được động viên, khuyến khích, được thúc đẩy, hình thành, phát triển xúc cảm, thái độ tốt thì ngược trở lại trẻ sẽ có hành vi ứng xử chuẩn mực, thái độ đúng đắn với con người với các sự vật xung quanh trẻ. Điều này nhằm góp phần hoàn thiện nhân cách mai sau của một con người.

4. Đối với phụ huynh:

- Các buổi tuyên truyền, tập huấn cho phụ huynh về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã giúp phụ huynh hiểu hơn về các phương pháp giáo dục tích cực đối với trẻ. Phụ huynh luôn xem con mình là trung tâm nhưng không phải là cái rốn của vũ trụ. Họ dành thời gian nhiều hơn cho con, chơi với con nhiều hơn, hạn chế dùng điện thoại trước mặt con và biết cách khơi gợi sự yêu thích khám phá, tìm tòi ở con.

- Phụ huynh phối hợp tích cực với Nhà trường trong quá trình thực hiện chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” . Các chương trình lễ hội, hoạt động ngoại khóa của Nhà trường được phụ huynh tin tưởng, ủng hộ và phối hợp tích cực, bởi các chương trình được tổ chức dưới hình thức  gắn kết trẻ với gia đình, tạo cho bố mẹ co cơ hội để được tham gia các hoạt động cùng con, giúp con có thêm động lực, tự tin thể hiện khả năng, năng lực và hiểu biết của bản thân. Qua đó, bố mẹ, người thân của trẻ hiểu hơn về con em mình và phát hiện được những năng khiếu nổi trội hay hạn chế của con để chăm sóc và bồi dưỡng.

- Kênh kết nối, chia sẽ thông tin giữa phụ huynh và Nhà trường đã giúp phụ huynh tin tưởng, chia sẽ những băn khoăn của mình trong việc chăm sóc, giáo dục con cái và từ đó Nhà trường, giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giúp họ có phương pháp tối ưu trong việc giáo dục con.

Dưới đây là một số hình ảnh các hoạt động thực hiện chuyên đề tại Trường MNTH Đại học Vinh:

Ngày sinh nhật, sở thích, cá tính của trẻ được giáo viên ghi chép và trang trí góc trung tâm lớp

Các góc nhiều nguyên vật liệu mở để trẻ được hoạt động theo sở thích

Hoạt động tại các góc chơi theo sở thích riêng của trẻ

Trẻ được tham gia vào các hoạt động giáo dục sáng tạo

Trẻ chủ động, tích cực, hứng thú tìm tòi, khám phá và trải nghiệm!

Trẻ tự tin tham gia và thực hiện các hoạt động tăng cường kĩ năng sống

Các hoạt động bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ được Nhà trường luôn chú trọng

Các chương trình lễ hội, hoạt động ngoại khóa được tổ chức dưới hình thức trải nghiệm, vui chơi

Các hoạt động gắn kết trẻ với gia đình để bố mẹ có thời gian gần gũi, vui chơi và mang lại cho con những tiếng cười hạnh phúc

Các hoạt động bồi dưỡng cho trẻ những xúc cảm tích cực, tình yêu thương, sự sẽ chia với con người, với môi trường sống và sự vật xung quanh

Nụ cười hạnh phúc của các con khi đến trường

Có thể khẳng định rằng, chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” thực sự đã mang lại cho chúng tôi cảm hứng để xây dựng một ngôi trường vì trẻ. Trẻ chính là trung tâm, là cái gốc cho mọi hoạt động của nhà trường. Trường thực sự đã trở thành ngôi trường hạnh phúc với trẻ, là một địa chỉ tin cậy cho phụ huynh khi gửi gắm con em mình.

Bài: Dương Nga