Với mong muốn tạo nên một thế hệ trẻ tự tin, năng động có đầy đủ kiến thức, kỹ năng của thế kỷ 21 và lan toả những tinh hoa giáo dục stem để ngày càng nhiều bạn nhỏ có cơ hội được học tập, trải nghiệm trong một môi trường hạnh phúc, Trường THSP cấp học mầm non cơ sở II lần đầu tiên tiến hành hoạt động dạy mẫu tiếp cận theo phương pháp STEM. 

Tổ chức hoạt động giáo dục tiếp cận theo phương pháp STEM là một xu hướng mới trong giáo dục mầm non, khi xây dựng mối liên hệ tự nhiên, sự tích hợp hài hoà giữa bốn nhóm kiến thức, kỹ năng riêng lẻ: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, hệ thống giáo dục có bối cảnh hấp dẫn, tạo hứng thú học tập và phát triển kỹ năng toàn diện cho trẻ mầm non, trẻ được trải nghiệm, tiếp xúc, cọ sát với thế giới xung quanh để tăng cường sự tự tin và mạnh dạn, mở rộng hiểu biết bên ngoài từ đó sẽ tác động mạnh mẽ đến hứng thú và sự say mê tìm tòi của trẻ.

Với hoạt động tiếp cận theo phương pháp STEM, dự án "Thiết kế chuồng chim" của độ tuổi 3 - 4 tuổi, cô giáo Ngô Thị Thương và các bé lớp 3 tuổi A2 đã mang lại một không khí hoạt động tích cực, hiệu quả, trẻ thực sự được chơi, được thực hiện nhiệm vụ theo trí tưởng tượng, theo khả năng và kỹ năng của bản thân, giáo viên thực hiện đúng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở, truyền năng lượng tích cực cho các con. Qua hoạt động trẻ nêu được những khó khăn khi thực hiện và biết được cần điều chỉnh, sữa sai gì cho thiết kế của mình để sản phẩm được chắc chắn hơn và đẹp hơn.

Các con 3 tuổi nhưng rất say sưa thiết kế

Nụ cười hạnh phúc khi sản phẩm của nhóm hoàn thiện

Những chuồng chim đáng yêu của các con 3 tuổi

Dự án "thiết kế ống nghe" cảu độ tuổi 4 - 5 tuổi được thực hiện qua 2 tiết học, với tiết 1 "nghe âm thanh" cô Trương Thị Quỳnh Trang thực hiện đã đem lại không khí vui tươi và hứng thú cho trẻ. Trẻ được lắng nghe và đoán âm thanh xa gần, to nhỏ khác nhau. Bên cạnh đó, trẻ đã có trải nghiệm vui chơi và sôi nổi khi được cùng các bạn khám phá ống nghe.

Trẻ cùng các bạn trải nghiệm ống nghe


Cô trò lắng nghe âm thanh ở vị trí xa nguồn phát âm thanh và cùng đoán xem âm thanh gì? nghe rõ không? vì sao?

Cũng với dự án "thiết kế ống nghe" này thì ở tiết 2, tại lớp 4 tuổi A2, giáo viên Nguyễn Thị Hải xây dựng thành công tiết dạy của mình khi đã khơi gợi được sự hào hứng, thích thú từ trẻ. Với các nguyên vật liệu phong phú, trẻ thoả sức xây dựng, sáng tạo nên ý tưởng thiết kế của mình, bên cạnh đó trẻ mạnh dạn trao đổi, bàn bạc với nhau để chọn ra bản thiết kế tốt nhất.

Trẻ tự lên ý tưởng, vẽ bản thiết kế "ống nghe" và thực hiện sản phẩm!

Tư duy của trẻ mầm non là tư duy trực quan, lớp 5 tuổi A2  "thí nghiệm với banking soda" được  giáo viên Nguyễn Đắc Quỳnh Nga thực hiện thật sự là một trải nghiệm kích thích sự tò mò và hứng thú ở trẻ. Đầu tiên, trẻ sẽ suy nghĩ công thức tạo nên phản ứng banking soda và dấm, sau đó trẻ sẽ thực hiện và quan sát ghi chép các hiện tượng xảy ra. Các con vui tươi, phấn khích khi được xem thành quả của nhóm mình.

Làm việc nhóm, tự bàn công thức phù hợp để pha chế


Thực hiện pha chế theo công thức đã bàn bạc, quan sát các hiện tượng sảy ra và "ghi chép" lại!

Chúc mừng các con đã sáng tạo ra những công thức tuyệt vời!   

Có thể nhận thấy rằng, hoạt động mẫu tiếp cận theo phương pháp STEM gây được hiệu quả vì trẻ thực sự háo hức, tích cực, chủ động và sáng tạo khi tham gia vào các trải nghiệm. Cách tiếp cận dạy học theo phương pháp STEM chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng những lợi ích mà stem mang lại cho trẻ và trường học thì rất lớn. Trường học không chỉ  là nơi để giảng dạy lí thuyết mà ở đó những đứa trẻ được trải nghiệm những kiến thức thực tiễn vừa lớn khôn, vừa trưởng thành" chơi thông minh và học vui vẻ".

STEM đã và đang trở thành phương pháp giáo dục được quan tâm hàng đầu của các nhà giáo dục cũng như các bậc phụ huynh, đặc biệt là bố mẹ đang có con trong độ tuổi mầm non, bởi độ tuổi này chính là giai đoạn vàng để trẻ phát triển toàn diện. Với những ưu điểm vượt trội, giáo dục STEM không chỉ tạo nền tảng vững chắc để trẻ phát triển mà còn mang đến niềm đam mê học tập suốt đời cho trẻ trong tương lai.

Bài: Tin bài Nguyễn Thị Huyền