Hội thi được Phòng Giáo dục thành phố vinh tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và đẩy mạnh phong trào thi đua, tạo cơ hội để giáo viên tự học và sáng tạo, thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, giáo dục trẻ; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng, đồ chơi, góp phần đổi mới phương pháp chăm sóc giáo dục; xây dựng môi trường học tập an toàn, phù hợp với độ tuổi, phát huy tính tích cực ở trẻ, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và toàn ngành; Tuyển chọn, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố; bồi dưỡng giáo viên để tham gia Hội thi Giáo viên giỏi cấp Tỉnh tổ chức vào tháng 02 năm 2018. Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục mầm non.

Tham gia Hội thi, Trường THSP - Trường Đại học Vinh đã lựa chọn 6 giáo viên trẻ, nhiệt tình, năng động, sáng tạo tham gia: Gv Trương Thị Quỳnh Trang; Gv: Đinh Thị Hằng; Gv: Đào Thị Hồng Thơm; Gv: Trần Ái Linh; Gv: Nguyễn Thị Huệ; Gv: Thái Thị Thảo. Mỗi giáo viên dự thi phải thực hiện đủ 02 nội dung thi: Thi kiểm tra năng lực và thi thực hành hoạt động giáo dục

- Trong phần thi kiểm tra năng lực, nội dung thi bao gồm: Kiểm tra hiểu biết chung về Giáo dục mầm non được quy định tại Điều lệ Trường mầm non (số 04/VBHN-BGDĐT, ngày 24/12/2015); Quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non; Chương trình Giáo dục mầm non ban hành theo Thông tư 28/2016/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 17/2009/TT-BGD&ĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư 13/2010/TT - BGDĐT ngày 15/4/2010 về việc ban hành Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm"; "Công tác mua sắm, tự làm, bảo quản thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi trẻ em trong các cơ sở GDMN";  Nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 bậc học mầm non thành phố.

Với hình thức  thi trắc nghiệm và tự luận; bài thi kiểm tra năng lực đạt từ 08 điểm trở lên mới đủ điều kiện dự thi phần thi thực hành.

- Phần thi thực hành hoạt động giáo dục: Giáo viên thi thực hành hai hoạt động chơi - tập (đối với giáo viên nhà trẻ), hai hoạt động học có chủ định (đối với giáo viên mẫu giáo) trong đó có một hoạt động do giáo viên tự chọn theo độ tuổi giáo viên đang giảng dạy và một hoạt động giáo dục do Ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm ở hai độ tuổi còn lại; Phải ít nhất 1 hoạt động giỏi và 1 hoạt động khá trở lên thì mới đạt danh hiệu giáo viên giỏi.

Để tham dự phần thi "kiểm tra năng lực" 6 đại diện của trường đã luôn nỗ lực cố gắng, dành hết quỹ thời gian cho ôn tập , bồi dưỡng thêm kiến thức dự thi; các cô tham gia thi một cách nghiêm túc theo đúng quy chế và điều lệ hội thi đã ban hành. Và cả 6 giáo viên đều đã suất sắc vượt qua  vòng thi kiểm tra năng lực, trong khi đó rất nhiều trường tỷ lệ đạt ở vòng thi này dưới 100%.

Trong phần thi thực hành, giáo viên đã thể hiện được sự đầu tư trong bài soạn, sự vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ; biết sáng tạo, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học. Các tiết dạy được xây dựng công phu, nhiều ý tưởng sáng tạo, phát huy được tính tích cực nhận thức, hứng thú của trẻ, mang đến những màu sắc mới lạ cho hội thi năm nay của ngành.   Đa số các tiết đều để lại ấn tượng và được hội đồng BGK đánh giá cao. Trong đó có rất nhiều hoạt động được hội đồng BGK cho điểm rất cao, như:

1. Hoạt động tạo hình "Chú công xinh đẹp", độ tuổi 4 - 5 tuổi, của giáo viên Trương Thị Quỳnh Trang với tổng điểm là 19,625/20 điểm, là hoạt động có điểm số cao nhất trong phần thi thực hành của giáo viên toàn thành phố

2. Hoạt động tạo hình "nặn bánh quê", độ tuổi 4 - 5 tuổi, của giáo viên Đào Thị Hồng Thơm đạt điểm 19,125/20 điểm

3. Hoạt động nhận biết tập nói "con cua" độ tuổi 24 - 36 tháng, của giáo viên Nguyễn Thị Huệ đạt tổng điểm 18,875/20 điểm

Đặc biệt có 5/6 giáo viên đều đạt loại giỏi cả 2 hoạt động thực hành.

Kết quả cuối cùng của cuộc thi cả 6 giáo viên tham gia đều được công nhận giáo viên giỏi cấp thành phố chu kỳ 2017 - 2019.

Một vài hình ảnh về quá trình dự thi của các giáo viên:

Các giáo viên tích cực ôn luyện kiến thức


Các đồng nghiệp hỗ trợ làm đồ dùng thi thực hành


Công tác chuẩn bị trước giờ thi thực hành


Tinh thần cô trò trước giờ thi


Các bé hứng thú xem sản phẩm của mình sau hoạt động làm bánh


Kết quả trên là một điều đáng khích lệ, cổ vũ cho đội ngũ giáo viên mầm non trường THSP Đại học Vinh có thêm nhiều động lực để phấn đấu, rèn luyện chuyên môn, tự tin trong giảng dạy, bồi dưỡng lòng đam mê nghề nghiệp. Những giáo viên được vinh danh, công nhận trong hội thi giáo viên dạy giỏi lần này thực sự là những bông hoa tươi thắm về năng lực và trí tuệ. Tôi tin tưởng rằng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, tận tình, sáng tạo của đội ngũ giáo viên mầm non sẽ góp phần không nhỏ phát triển thương hiệu Trường THSP Đại học Vinh, giúp cho Nhà trường luôn xứng đáng là nơi gửi trao đầy tin tưởng của các bậc phụ huynh.

Bài: Tuyết Nhung; Ảnh: Sưu tầm