Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/ĐU ngày 16/02/2020 của Ban Thường vụ Đảng ủy trường về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Vinh đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; chủ trương của Nhà trường về dạy và học trực tuyến, Nhà trường hướng dẫn các đơn vị cụ thể như sau:
1. Các khoa, viện tổ chức dạy và học trực tuyến bắt đầu từ Thứ 2, ngày 23/02/2020 thông qua Hệ thống cổng thông tin học tập trực tuyến tại địa chỉ http://elearning.vinhuni.edu.vn. Trường THPT Chuyên và Trường Thực hành Sư phạm thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.
2. Trước mỗi buổi dạy, giảng viên, giáo viên cần chuẩn bị nội dung bài giảng, bài tập (trắc nghiệm/tự luận), câu hỏi thảo luận, học liệu video/audio... để cung cấp cho học sinh, sinh viên, học viên. Các bài giảng cần được ghi âm/ghi hình trước để đảm bảo chất lượng. Trung tâm Công nghệ thông tin tổ chức tập huấn cho giảng viên, giáo viên về kỹ thuật ghi âm/ghi hình và biên soạn bài tập, câu hỏi, học liệu (Dự kiến vào Thứ Bảy, ngày 22/02/2020 và Chủ nhật, ngày 23/2/2020. Phân công cụ thể theo lịch tuần của Nhà trường).
3. Vào đúng thời gian của thời khóa biểu, giảng viên, giáo viên có giờ dạy truy cập vào lớp được phân công tại phòng học đã được Nhà trường bố trí để giảng dạy, hỗ trợ học sinh, sinh viên, học viên học trực tuyến. Mỗi đơn vị bố trí từ 01 đến 02 cán bộ, giảng viên, giáo viên am hiểu kỹ thuật hỗ trợ. Trong trường hợp đơn vị có nhiều giảng viên, giáo viên giảng bài cùng một thời điểm cần liên hệ với Phòng Quản trị và Đầu tư, Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm để bố trí phòng học.
4. Hệ thống cổng thông tin học tập trực tuyến của Nhà trường đáp ứng học qua mạng mọi lúc, mọi nơi miễn sao thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của khóa học. Giảng viên, giáo viên thường xuyên theo dõi quá trình học qua mạng và giải đáp thắc mắc, nhận xét, chấm điểm bài tập của học sinh, sinh viên, học viên. Hệ thống không hỗ trợ thảo luận video/audio trực tuyến. Tuy nhiên việc này có thể thực hiện dễ dàng bằng các nền tảng Microsoft Teams, Google Hangouts, Free Conference Call, Zoom, Skype, Facebook… Nhà trường yêu cầu giảng viên, giáo viên dành tối thiểu 30% thời lượng giảng dạy cho hoạt động này. Kỹ thuật tổ chức sẽ được Trung tâm Công nghệ thông tin tập huấn.
5. Mỗi học phần/môn học có cùng mã môn sẽ học chung một khóa học trực tuyến. Vì vậy các đơn vị khoa/viện/trường chỉ đạo, hướng dẫn các nhóm giảng viên, giáo viên cùng thảo luận, thống nhất kịch bản dạy học qua mạng. Mỗi học phần/môn học có thể được chia thành nhiều chương/bài học trực tuyến, trong đó mỗi bài tương ứng với thời lượng trong một buổi dạy. Cấu trúc của mỗi bài học trực tuyến có thể bao gồm:
a. Mục tiêu bài học
b. Nhiệm vụ đọc tài liệu PDF (tài liệu tóm lược hoặc slides bài giảng), xem Video bài giảng.
c. Nhiệm vụ tự học - chọn 01 trong 02 hoặc cả hai loại sau:
- Bài tập tự luận: Học sinh, sinh viên, học viên xem yêu cầu bài tập, hoàn thành và nạp file sản phẩm lên hệ thống để giảng viên, giáo viên đánh giá. File sản phẩm có thể là đường link tới kho dữ liệu đám mây hoặc là file tài liệu word, excel, pdf, ảnh chụp… Trong trường hợp nhiều file thì nén thành 01 file duy nhất trước khi nạp lên hệ thống.
- Bài tập trắc nghiệm: là bài tập trắc nghiệm do máy tự động chấm điểm.
d. Diễn đàn thảo luận - chọn 01 trong 02 hoặc cả hai loại sau:
- Thảo luận môn học: là dạng thảo luận Q&A (Question and Answer), giảng viên, giáo viên đưa nội dung thảo luận, mỗi học sinh, sinh viên, học viên soạn thảo phúc đáp nội dung ý kiến của bản thân, xem và trao đổi ý kiến với các bạn khác.
- Thảo luận trực tuyến: là dạng thảo luận video/audio trực tuyến, trong đó giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên, học viên trao đổi trực tiếp (real time) bằng các công cụ như đã nói ở phần trên.
6. Mỗi học sinh, sinh viên, học viên đều được cấp 01 tài khoản để sử dụng hệ thống. Tài khoản là mã số của học sinh, sinh viên, học viên, mật khẩu ngầm định là ngày tháng năm sinh (viết đầy đủ 10 ký tự, ví dụ: 01/10/1990). Sau khi đăng nhập, học sinh, sinh viên, học viên cần cập nhật địa chỉ email đang sử dụng để hệ thống có thể liên lạc thường xuyên với học sinh, sinh viên, học viên thông qua địa chỉ này. Trong quá trình học tập, học sinh, sinh viên, học viên có thể xem các hướng dẫn sử dụng được đăng tải trên hệ thống và/hoặc liên hệ với giảng viên, giáo viên giảng dạy và/hoặc cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ thông tin.
7. Các khoa, viện, Trường THPT Chuyên, Trường Thực hành Sư phạm, các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc Công văn số 109/ĐHV-ĐT ngày 19/02/2020 của Nhà trường về việc triển khai dạy và học trực tuyến.
8. Các khoa, viện, Trường THPT Chuyên, Trường Thực hành Sư phạm cần chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức dạy và học trực tuyến, góp phần để hoàn thành kế hoạch đào tạo năm học 2019 - 2020; cần sáng tạo tìm giải pháp dạy và học trực tuyến với các học phần thực hành, có thể hướng dẫn lý thuyết các bước thực hành và yêu cầu học sinh, sinh viên, học viên thực hành một phần ở nhà, gửi ảnh chụp, link video thực hành lên hệ thống. Một phần khác sẽ thực hành tại trường khi đi học trở lại. Với các học phần/môn học không thể tìm ra giải pháp dạy và học trực tuyến thì các đơn vị đề xuất, kiến nghị về Trường (qua Phòng Đào tạo đối với hệ đại học chính quy, Trường THPT Chuyên, Trường THSP; qua Phòng Đào tạo Sau đại học đối với đào tạo trình độ thạc sĩ; qua Trung tâm Giáo dục thường xuyên đối với hệ vừa làm vừa học và đào tạo từ xa) để Nhà trường kịp thời có ý kiến chỉ đạo, xử lý.
Trên đây là hướng dẫn dạy và học trực tuyến đối với tất cả các bậc học, loại hình đào tạo. Nhà trường yêu cầu Trưởng các đơn vị trong toàn trường, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Xem File đính kèm!