Tham dự chương trình khai giảng, có ông Trương Thanh Hùng, đồng sáng lập và điều hành FINNO VENTURE, là chuyên gia trong lĩnh vực Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, là giảng viên nguồn về chương trình Hợp tác về Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan. Về phía tỉnh Nghệ An có ông Hoàng Vĩnh Trường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp - Sở Kế hoạch & Đầu tư Nghệ An cùng các cộng sự. Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Trần Đình Quang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đảm bảo chất lượng; ThS. Lê Công Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp cùng các thầy cô giáo đại diện các phòng ban chức năng, viện, khoa và gần 500 sinh viên đến từ các ngành đào tạo khác nhau trong toàn trường.
ThS. Lê Công Đức, Phó GĐ phụ trách Trung tâm DV,HTSV&QHDN khai mạc chương trình
Ông Hoàng Vĩnh Trường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp - Sở KH&ĐT Nghệ An phát biểu
Gần 500 sinh viên tham gia chương trình
Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp là chương trình đang nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội và là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với các bạn trẻ nói chung, đặc biệt là sinh viên ở các trường đại học. Mục đích của chương trình là trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng để khởi nghiệp, quản lý, điều hành doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thông qua chương trình bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức cơ bản về khởi sự doanh nghiệp. Từ sự chia sẻ của các diễn giả, chuyên gia giàu kinh nghiệm, sinh viên sẽ thu nhận được những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hết sức bổ ích và thiết thực, giúp các em tự tin tiếp cận với thế giới việc làm cũng như khả năng tự khởi nghiệp, tự lập nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.
Thời gian qua, nhằm thực hiện chủ trương đào tạo đáp sứng nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Vinh đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo như tăng cường và đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và hỗ trợ sinh viên; triển khai đào tạo theo cách tiếp cận CDIO nhằm giúp người học phát triển toàn diện về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; tăng thời lượng thực hành, thực tập, chú trọng công tác tham quan, thực tế với nhiều cải tiến trong công tác tổ chức, thực hiện. Tăng cường phối hợp và tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức, giáo dục kỹ năng, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên thông qua phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp như tổ chức các chương trình tư vấn - hướng nghiệp - tuyển dụng việc làm, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, tập huấn thương mại điện tử, đào tạo - bồi dưỡng - hỗ trợ về khởi nghiệp...với sự tham gia của hàng chục ngàn lượt sinh viên. Nhờ đó, sinh viên có được vốn kiến thức, kĩ năng cần thiết để tự tin lập thân, lập nghiệp sau khi ra trường. Trong số đó, có nhiều tấm gương sáng về khả năng lập nghiệp. Điển hình là cựu sinh viên Trần Kim Việt, Giám đốc Vườn ươm Việt, một tấm gương sáng về hình ảnh vượt qua chính mình để vươn lên trong cuộc sống để lập thân, lập nghiệp. Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân lại bị tàn tật, nhưng Việt đã không đầu hàng số phận bằng định hướng: “Không có con đường nào khác để đổi đời ngoài con đường học tập và trau dồi kiến thức”. Học xong đại học, anh quyết tâm học lên, sau khi tốt nghiệp cao học, Việt quyết định về quê mở công ty chuyên sản xuất cây giống và hỗ trợ bà con nông dân về công nghệ sinh học. Vốn không có, Việt làm dịch vụ để tích tiểu thành đại, làm từ việc nhỏ nhất trở đi. Anh cũng đi qua trên 30 tỉnh thành để học hỏi về sản xuất giống và các kinh nghiệm thực tế của nhà nông. Đến nay, Vườn ươm Việt đã tạo công ăn việc làm cho 13 lao động ổn định và 10 lao động thời vụ, mỗi năm xuất ra 30 vạn cây giống” cung cấp cho nhiều địa bàn trong cả nước.
Ông Trương Thanh Hùng, đồng sáng lập và điều hành FINNO VENTURE, chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo diễn giả của chương trình đang chia sẻ với sinh viên
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giảng viên nguồn của chương trình hợp tác Việt Nam - Phần Lan về Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo
Anh Vũ Mạnh Hoàng, cựu sinh viên khóa 53 khoa Kinh tế chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp
Sinh viên tương tác, đặt câu hỏi với các chuyên gia
Khóa bồi dưỡng “Khởi sự doanh nghiệp năm 2017” cho sinh viên Trường Đại học Vinh do các diễn giả Trương Thanh Hùng, Nguyễn Thị Hạnh và Vũ Mạnh Hoàng chia sẻ bao gồm 5 nội dung:
- Khởi nghiệp sáng tạo - Bắt đầu từ đâu và làm sao để xây dựng mô hình kinh doanh từ một ý tưởng?”
- Ứng dụng đổi mới sáng tạo trong khởi sự doanh nghiệp của sinh viên.
- Một số kinh nghiệm khi khởi nghiệp.
- Các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong khởi sự doanh nghiệp.
- Bí mật của thành công!
Thông qua các nội dung nêu trên, sinh viên đã được chia sẻ, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản để khởi sự doanh nghiệp như xây dựng và xác định các ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, chuẩn bị nguồn tài chính, phân tích tài chính trong kinh doanh, cơ sở pháp lý để thành lập doanh nghiệp; tổng quan về đổi mới sáng tạo, các yếu tố văn hóa đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, công cụ của khởi nghiệp tinh gọn ... Cùng với đó, các chuyên gia đã đem đến những lời khuyên hết sức hữu ích về khởi nghiệp như: các yếu tố quan trọng mà người khởi nghiệp phải có (tư duy, vốn, sản phẩm tốt và kỹ năng quản trị); khuyến khích các bạn trẻ dám sáng tạo, dám thay đổi tư duy nhưng “phải định vị được mình là ai thì mới khởi nghiệp được thành công”.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả và sinh viên
Bài: Đoàn Minh; Ảnh: Ngọc Quyến