Trong nền kinh tế thị trường, bất kỳ một sản phẩm hàng hóa tiêu dùng nào cũng cần được đảm bảo về chất lượng bởi một hệ thống kiểm soát chất lượng bao gồm việc phân tích thành phần, xác định hàm lượng, kiểm soát các mối nguy, quản lý chất lượng,…  

Hoạt động của các cán bộ phân tích kiểm nghiệm là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hệ thống kiểm tra, kiểm soát và quản lý chất lượng hàng hóa từ khâu đầu của quá trình sản xuất đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Với nền sản xuất kinh tế thị trường đang phát triển không ngừng như hiện nay, nhu cầu nhân lực cán bộ phân tích – kiểm nghiệm có trình độ đại học và trên đại học còn thiếu rất nhiều. Do đó, nhu cầu nhân lực về cán bộ phân tích và kiểm nghiệm ngày càng gia tăng.

Hoạt động phân tích kiểm nghiệm có thể được thực hiện ở ba phạm vi khác nhau trong nền kinh tế:

-     Phân tích – kiểm nghiệm tại các cơ sở sản xuất: bộ phận kiểm tra chất lượng hoặc bộ phận QA/QC nhằm đảm bảo chất lượng nguyên vật liệu và sản phẩm. Đây là bộ phận quan trọng trong mỗi nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, từ nhà máy xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng, khoáng sản, lọc hóa dầu… cho đến các nhà máy chế biến thực phẩm, thủy hải sản, xí nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm, chế biến nông sản, …

-     Phân tích – kiểm nghiệm của hệ thống các đơn vị thuộc cơ quan quản lý nhà nước: các Trung tâm đo lường chất lượng, Trung tâm phân tích kiểm nghiệm dược phẩm – mỹ phẩm, Chi cục Đo lường chất lượng, Chi cục môi trường, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, … Các phòng, ban cấp huyện, cấp tỉnh làm công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa...

-     Phân tích – kiểm nghiệm của các đơn vị tư nhân hay nhà nước làm dịch vụ kiểm định chất lượng hàng hóa nhằm cung cấp dịch vụ phân tích thành phần, kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, lưu thông, thương mại, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa…

            Thực tế hiện nay chỉ cố một số ít trường Đại học đào tạo chuyên ngành Phân tích kiểm nghiệm. Nắm bắt tình hình đó, từ năm học 2013-2014, khoa Hóa học trường Đại học Vinh đào tạo ngành Hóa học chuyên ngành Phân tích – kiểm nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cho công tác phân tích chất lượng, kiểm tra và kiểm định hàng hóa trong các lĩnh vực sản xuất.    

Dưới đây là một số thông tin cơ bản về ngành đào tạo.

Mục tiêu đào tạo:

Chương trình giáo dục đại học ngành Hóa học chuyên ngành Phân tích – kiểm nghiệm giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện, có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ để sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu,… thuộc lĩnh vực hoá học chuyên ngành phân tích, kiểm nghiệm.          

Chương trình đào tạo gồm:

Khối kiến thức đại cương, khối kiến thức ngành, cơ sở ngành hóa học và khối kiến thức chuyên ngành phân tích – kiểm nghiệm.

Khối kiến thức cơ sở ngành bao gồm các môn học về các kiến thức cơ sở và cơ bản của  hóa học, đồng thời cung cấp các phương pháp phân tích, các phương pháp xử lý số liệu thực nghiệm, các phương pháp và kỹ thuật xử lý mẫu phân tích.

Khối kiến thức chuyên ngành phân tích-kiểm nghiệm bao gồm các môn học lý thuyết và thực hành về các phương pháp phân tích-kiểm nghiệm thuộc các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, môi trường, hóa chất, khoáng sản, vật liệu, phân bón.

Chương trình chú trọng cung cấp kiến thức hệ thống, hiện đại và đặc biệt là kỹ năng thực hành phân tích – kiểm nghiệm, kỹ năng thao tác vận hành các máy móc thiết bị hiện đại trong phân tích, giúp sinh viên sớm có tay nghề vững vàng khi tốt nghiệp.

Thời gian đào tạo: 4 năm

Môi trường học tập:

Theo học ngành Hóa học (chuyên ngành phân tích – kiểm nghiệm) tại Đại học Vinh sinh viên sẽ được đào tạo một nền kiến thức cơ bản vững chắc, hệ thống và hiện đại của Hóa học, đáp ứng nhu cầu phát triển kiến thức chuyên ngành phân tích-kiểm nghiệm.

-     Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy là các  phó giáo sư, tiến sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực hóa học và phân tích - kiểm nghiệm (xem /DATA/0/Donvi/ConTentDV/35/Trangchu.htm) .

-     Sinh viên được học tập và thực hành trên các hệ thống trang thiết bị thí nghiệm hiện đại vào bậc nhất vùng Bắc Trung bộ (xem http://www.vinhuni.edu.vn/ Vinhuni/Donvi/ConTentsDV/592/Trangchu.htm ).

-     Hệ thống thông tin và học liệu khổng lồ được cung cấp bởi Thư viện Nguyễn Thúc Hào với đầy đủ phòng đọc, phòng máy kết nối internet và các dịch vụ thông tin (xem http://lib.vinhuni.edu.vn/ )

-     Ngoài ra, còn có cơ hội tiếp cận với thực tế thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các cơ sở sản xuất và kinh doanh, các nhà máy, xí nghiệp, các trung tâm phân tích-kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, các trung tâm đo lường chất lượng, trung tâm quan trắc môi trường.

Có thể làm việc tại:

- Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, các trung tâm phân tích – kiểm nghiệm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, phân bón, vật liệu…

- Các trung tâm quan trắc môi trường, trung tâm đo lường chất lượng của các tỉnh, thành phố.

- Các phòng thí nghiệm hóa sinh của các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng giám định.

- Các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo ngành Hóa, chuyên ngành Phân tích – kiểm nghiệm.

- Các trường ĐH, CĐ, THPT.

Có thể đảm nhận công việc:

- Cán bộ quản lý phân tích, kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các các cơ quan quản lý nhà nước.

- Cán bộ phân tích kiểm nghiệm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, hóa chất, vật liệu, nhiên liệu, khoáng sản, môi trường…

- Cán bộ phân tích hóa học trong lĩnh vực giám định hình sự, pháp y.

- Nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu.

- Có thể làm giảng viên giảng dạy tại các trường ĐH- CĐ.

- Có thể làm giáo viên giảng dạy tại các trường THCN, THPT

Khả năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:

Với hình thức đào tạo học chế tín chỉ, sinh viên học chuyên ngành phân tích - kiểm nghiệm sẽ được tạo điều kiện nâng cao tính chủ động với môn học và thời gian học, sinh viên sẽ  có cơ hội học vượt trước thời gian, học liên thông nhiều ngành học khác nhau.

Có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ ở bậc học cao hơn trong các lĩnh vực liên quan ngành Hóa học.

Năm 2014: tuyển sinh nguyện vọng 2 khối A (40 chỉ tiêu)

Sau năm thứ nhất, sinh viên có thể học ngành 2 Sư phạm hóa học