Hạnh phúc không mỉm cười
Hơn 40 năm trước, cựu chiến binh Phan Sỹ Tài (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) trở về sau một thời gian chiến đấu tại Mặt trận B5 (Đường 9-bắc Quảng Trị). Khi đất nước hòa bình, ông trở về công tác tại Văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 4 và lập gia đình. Cứ ngỡ hạnh phúc đã mỉm cười với người lính khi những đứa con lần lượt ra đời... Nhưng đâu ngờ hai đứa con sau là Phan Thị Hương (sinh năm 1988) và Phan Sỹ Tân (sinh năm 1996) bị dị tật, tay chân co quắp, không đi lại được. Lúc đó, ông Tài mới biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Cả hai người con sau của ông Tân đều không thể tự chăm sóc bản thân, cần có người trợ giúp.
Phan Sỹ Tân học bài trên chiếc máy tính của mình
Con trai út Phan Sỹ Tân của ông may mắn hơn chị gái Phan Thị Hương vì đầu óc Tân hoàn toàn tỉnh táo và rất thông minh. Từ nhỏ, cuộc sống của Tân đã gắn với bệnh viện, các trung tâm chỉnh hình. Thấy con trai đã lên 4 tuổi nhưng chưa biết đi, bố mẹ Tân lo lắng, chạy chữa khắp nơi. Có một thời gian, Tân chập chững đi được vài bước đem lại một tia hy vọng cho cả gia đình. Thế nhưng, niềm vui ấy quá ngắn ngủi khi càng lớn lên, đôi tay và đôi chân của Tân càng lộ rõ sự phát triển không bình thường, co quắp và dần bị tê liệt bắt đầu co rúm, em chỉ lê lết quanh nhà, không đi lại được bình thường như bao đứa trẻ khác. Thời gian sau đó, những trận ốm đau dặt dẹo cứ nối tiếp nhau, ai cũng nghĩ Tân chẳng thể nào sống nổi.
Bà Phan Thị Đào, mẹ của Tân giọng nghẹn ngào, không kìm được nước mắt khi nói đến hoàn cảnh của Tân: “Hằng ngày, thời gian của tôi chỉ dành để chăm sóc hai đứa con bị di chứng chất độc da cam. Tân may mắn vì còn có thể cử động được và đầu óc minh mẫn còn chị gái của Tân tội nghiệp hơn khi phải nằm một chỗ và không nhận thức được gì. Dù đi lại và giao tiếp khó khăn nhưng Tân rất ham học, rất hiểu chuyện và luôn luôn vui vẻ để bố mẹ yên lòng”.
Mặc dù không có khả năng vận động và rất khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ bằng ngôn ngữ nhưng lên 4 tuổi thấy bạn bè, anh chị đi học Tân vẫn nằng nặc đòi mẹ mua sách vở để đi học. Thương con, nhưng nghĩ con không có khả năng học hành như bạn bè cùng lứa nên gia đình ông Tài không cho Tân đi học. Lên 5 tuổi, thấy Tân có thể vận động, hơn nữa cứ thấy anh chị lấy sách ra học bài rồi chỉ cho đánh vần, ghép chữ Tân tiếp thu nhanh nên gia đình quyết định chiều theo ý Tân để em đi học cho bằng bạn bè trang lứa, xóa đi mặc cảm về bản thân.
Để lo cho gia đình, đặc biệt là Tân có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường, để cho em có được một cuộc sống như bao người bình thường cả gia đình Tân luôn gạt đi nỗi buồn, luôn ân cần, an ủi động viên để Tân tin yêu vào cuộc sống. Bố của Tân tuổi đã cao, sức khỏe kém, ngoài đồng lương hưu ít ỏi, còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm việc làm thêm để lo cho gia đình và Tân được tiếp tục theo đuổi ước mơ đi học. Mẹ của Tân ngày ngày phải chăm sóc chị gái còn lo lắng cho Tân. Cuộc sống gia đình cứ trôi đi trong “nỗi đau da cam” với những giọt nước mắt thầm lặng. Đáp lại sự yêu thương, động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè trong các năm học từ tiểu học đến trung học phổ thông Tân đều đạt học sinh giỏi và đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học Vinh.
Không con đường nào khác...
Khó khăn trong việc học của Tân là đôi tay em khó cử động được nên chữ viết nguệch ngoạc khiến thầy cô khó đọc để chấm bài. Hạn chế về điểm số trong các phần thi vấn đáp, viết nhưng bù lại Tân có khả năng tư duy và lập trình tốt. Tân tâm sự: “Thực ra thì em không còn con đường nào khác ngoài học tập. Bố mẹ em đã chịu khổ, chịu khó nuôi em ăn học mười mấy năm trời để em có thể vẽ ra tương lai tươi sáng hơn. Em không thể bỏ phí bao công sức ấy. Còn có sự động viên, chia sẻ của anh chị trong gia đình, thầy cô, bạn bè nên em biết mình cần phải càng cố gắng hơn. Em tâm niệm “Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”.
Tiếp xúc với Tân, chúng tôi rất khó khăn để nói chuyện được với em bởi khả năng diễn đạt bằng lời của em hạn chế, thật khó để em có thể nói được một câu nói trọn vẹn. Cho nên, chúng tôi đành phải trò chuyện với em bằng những tin nhắn trên mạng xã hội. Bàn tay trái của em chỉ sử dụng được hai ngón nhưng rất thành thạo lướt trên bàn phím máy vi tính. Bất kỳ ai cũng đều ấn tượng với cách đối đáp thông minh, trò chuyện dí dỏm của Tân. Em đem lại cho mọi người cảm giác rằng mình cũng bình thường như bao người bình thường, dù kém may mắn nhưng niềm tin và khát vọng sống ở Tân luôn truyền cảm hứng và sự xúc động cho những người xung quanh về nghị lực sống.
Em Dương Thị Thanh, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Vinh chia sẻ: “Đi lại khó khăn nhưng lúc nào Tân cũng luôn đi học đầy đủ. Thậm chí, nhiều môn phải đi học trên những phòng học tận tầng 5 hay trời mưa bão, nắng gắt Tân cũng không bao giờ nghỉ. Trong học tập, Tân luôn đạt kết quả khá cao, khả năng lập trình tốt. Điều đáng quý là Tân rất vui vẻ, hòa đồng được mọi người yêu mến và nể phục”.
Về tại phòng trọ nơi Tân đang ở, chúng tôi vô cùng xúc động khi căn phòng của chị em Tân luôn là nơirộn ràng tiếng cười nhất. Cả xóm trọ ai cũng quan tâm, động viên Tân. Đặc biệt, các em nhỏ luôn yêu mến, lúc nào Tân ở nhà cũng quây quần gọi “chú Tân” một cách đầy yêu thương.
Chia sẻ về những dự định, ước mơ trong tương lai, Tân viết: “Uớc mơ, dự định thì nhiều nhưng không biết sẽ làm được bao nhiêu. Trước mắt cứ hoàn thành chương trình học. Sau đó, tìm cách kiếm việc ổn định cuộc sống. Rồi trả ơn cho bố mẹ, họ hàng, anh chị nữa. Tất nhiên em hay nghĩ đến: Hiệp sĩ CNTT như anh Công Hùng. Điều ấy còn rất gian nan và em đang phấn đấu. Nhưng trước hết là có thể tự lo cho bản thân, không phụ thuộc vào gia đình. Bố mẹ em cũng già rồi, sức khỏe cũng yếu đi, em chính là nỗi bận tâm lớn nhất của bố mẹ”.
Chúng tôi gặp Tân trong một buổi học trên giảng đường đại học. Bước đến phòng học thực hành tận tầng 5 với những bước đi rất khó khăn, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười lạc quan và niềm tin vào cuộc sống vẫn hiện diện trên gương mặt của Tân.
Thầy giáo Trần Xuân Sang, giảng viên môn Toán rời rạc ứng dụng trong Tin học, Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Vinh: “Mặc dù thiệt thòi hơn các sinh viên khác về khả năng đi lại, đọc và viết nhưng bù lại Tân có khả năng tư duy tốt, hoàn thành tốt các bài tập thực hành. Sắp tới, tôi sẽ giúp đỡ Tân tiếp cận một số dự án để Tân có thêm kỹ năng đồng thời có thêm thu nhập”.
Ông Phan Sỹ Tài, giọng lạc đi khi nói về tương lai của Tân: “Điều gia đình tôi luôn thấy bận tâm nhất là sau này chúng tôi già yếu rồi ai sẽ lo cho Tân đây? Mong ước của gia đình chỉ đơn giản là các nhà hảo tâm, các nhà khoa học, bệnh viện y học đầu ngành nghiên cứu để chữa trị cho cháu có thể tự lo được cho bản thân và khi cháu ra trường có một công việc phù hợp. Đó có lẽ không phải là trăn trở của riêng gia đình tôi mà còn của 3 triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong cả nước”.
Trên đất nước Việt Nam nỗi đau chiến tranh vẫn còn âm ỉ để lại. Song, những con người đang từng ngày chiến đấu với “nỗi đau da cam” như Phan Sỹ Tân và hàng triệu nạn nhân bất hạnh khác chưa bao giờ ngừng khát vọng vượt lên số phận với nghị lực phi thường để hướng đến một ngày mai tươi sáng.
Bài và ảnh: Hoa Lê
Nguồn: Quân đội nhân dân Online